Chủ Nhật, 09/09/2007 15:26

Cty chứng khoán: Đầu tư vào công nghệ thông tin hay “nghỉ chơi”

Từ tháng 10, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ bắt đầu chuyển màn hình nhập lệnh (DCTerm) về cho các công ty chứng khoán (CTCK) và tiến tới giao dịch trực tuyến từ tháng 3.2008. Để có thể thực hiện được điều đó thì ngay từ bây giờ, các CTCK cũng phải tính toán đến việc nâng cấp công nghệ thông tin của mình cho phù hợp, nếu không họ sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.

Sợ không kịp

Ông Trần Đắc Sinh - Tổng giám đốc HOSE - khẳng định sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện việc cải tiến và đưa vào ứng dụng công nghệ mới theo đúng kế hoạch đã công bố. Trong tháng 9, HOSE sẽ đưa ra các tiêu chuẩn để chọn lựa 1-2 CTCK để tiến hành thử nghiệm việc đưa màn hình DCTerm (màn hình nhập lệnh) về CTCK, sau đó sẽ triển khai rộng ra cho các CTCK thành viên. Cách làm này trước mắt sẽ giải quyết được việc thiếu chỗ ngồi tại HOSE hiện nay cho các CTCK mới đồng thời là bước chuẩn bị cho việc tiến tới giao dịch trực tuyến. Để kết nối được với hệ thống của HOSE khi giao dịch trực tuyến, các CTCK phải có cổng front-office mới phù hợp. Nếu không có cổng này, CTCK chỉ đứng ngoài cuộc chơi và tiếp tục giao dịch thủ công như hiện nay.

Trên thực tế, hạ tầng công nghệ thông tin của đa số các CTCK hiện nay không đồng bộ và còn nhiều yếu kém. Khoảng 40 CTCK đang sử dụng phần mềm của Công ty hệ thống thông tin FPT và theo đánh giá của nhiều công ty thì chương trình này vẫn chưa hoàn thiện. Ông Nguyễn Hồng Nam - Phó tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết phần mềm của FPT đã được chỉnh sửa nhiều lần và có thể tiếp tục được chỉnh sửa cho phù hợp nhưng không thể mở rộng được những dịch vụ mới khi thị trường phát triển mạnh hơn. Do đó SSI đã đi mua phần mềm từ Thái Lan với giá lên đến khoảng 1 triệu USD. Một số CTCK khác như CTCK TP.HCM (HSC), CTCK Đại Việt... cũng đang đầu tư tương tự cho phần mềm mua từ Úc... Nhiều CTCK cho rằng phần mềm trong nước sẽ không đáp ứng được các yêu cầu mới khi HOSE tiến hành nâng cấp hệ thống giao dịch. Vì vậy bắt buộc họ phải đầu tư mới ngay từ bây giờ. Thế nhưng, Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM cho rằng sẽ có nhiều CTCK không kịp chuẩn bị hạ tầng công nghệ kịp theo tiến độ của HOSE. Có lẽ cũng đã dự đoán trước được tình hình này nên HOSE sẽ tiếp tục duy trì song song việc giao dịch trực tuyến và giao dịch thông qua sàn như hiện nay.

Phần mềm nào phù hợp?

Điều băn khoăn nhất của các CTCK hiện nay là mua phần mềm như thế nào, nội hay ngoại để tích hợp được với hệ thống của Hose? Theo ông Nguyễn Hồng Nam, nước ngoài đã có kinh nghiệm về thị trường chứng khoán nên chương trình phần mềm của họ có nhiều dịch vụ mới mà trong tương lai Việt Nam cũng phải thực hiện.

Do đó việc đầu tư ngay từ bây giờ là nhìn về lâu dài. Thế nhưng, không phải bất kỳ một CTCK nào cũng sẵn sàng chi ra một số tiền lớn như vậy để đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là những CTCK mới ra đời, quy mô còn nhỏ hoặc lợi nhuận chưa nhiều. Trong khi đó, nếu đầu tư một phần mềm nội như của FPT chẳng hạn thì chỉ cần khoản chi phí khoảng 35.000 USD. Đó là chưa kể CTCK sẽ được hỗ trợ cho mượn máy chủ dùng tạm để phục vụ công tác cài đặt đào tạo và kiểm tra ứng dụng nhằm rút ngắn được thời gian triển khai hệ thống.

Hơn nữa, theo ông Dương Dũng Triều, Phó tổng giám đốc Công ty hệ thống thông tin FPT, việc chuyển màn hình DCTerm về CTCK không liên quan gì đến phần mềm đang sử dụng của các CTCK. Còn sau đó, khi Hose nâng cấp một hệ thống giao dịch mới theo chuẩn quốc tế thì phần mềm của FPT vẫn sẵn sàng đáp ứng được. “Hệ thống tiêu chuẩn này, tôi tin rằng, sẽ hỗ trợ một chuẩn quốc tế gọi là chuẩn FIX, cho phép hệ thống này giao tiếp được với phần mềm tại các CTCK. Phần mềm do FPT xây dựng đã có chức năng hỗ trợ chuẩn FIX này”, ông Triều nói. Dù khẳng định như thế, nhưng cũng theo ông Triều, hiện FPT đang cùng các đối tác để hoàn thiện các bước cuối cùng để đưa ra hệ thống hoàn thiện mới cho các CTCK với nhiều tính năng đáp ứng các nghiệp vụ mới phát sinh trong tương lai như danh mục đầu tư, ủy thác, future/option; đáp ứng yêu cầu về quản lý nội bộ của các CTCK; hỗ trợ các giao dịch qua internet, mobile; kết nối CTCK với ngân hàng... Thế nhưng, điều này lại cho thấy rằng phần mềm hiện tại của các CTCK sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu khi thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển hơn cũng như khi Hose nâng cấp hệ thống giao dịch của mình. Việc chọn lựa phần mềm nội hay ngoại là phụ thuộc vào điều kiện, chiến lược phát triển của từng CTCK.

Bên cạnh đó, các CTCK mong muốn Hose sẽ công khai tiêu chuẩn về hạ tầng công nghệ thông tin cũng như những thông số kỹ thuật chi tiết để họ có thể tự tính toán khoản đầu tư của mình. 

 

Đấu giá cổ phần

* 4.028.600 cổ phần (CP) của Tổng công ty may Việt Tiến sẽ được bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 28.9. Đây là loại CP phổ thông có mệnh giá 10.000 đồng/CP, giá bán khởi điểm 20.000 đồng/CP. Tổng công ty may Việt Tiến có vốn điều lệ 230 tỉ đồng, chuyên sản xuất kinh doanh quần áo các loại; Sản xuất và kinh doanh nguyên phụ liệu ngành may; Kinh doanh máy in,

photocopy, thiết bị máy tính; Đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh kho bãi, nhà xưởng; Dịch vụ xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa... Nhà đầu tư đăng ký tham gia từ ngày 10 – 20.9 và nộp lại phiếu tham dự đấu giá trước 15 giờ ngày 26.9.

* 2,8 triệu CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP) của Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng sẽ được bán đấu giá vào ngày 1.10 tại HOSE . Giá  khởi điểm là 75.000 đồng/CP. Công ty Trường Thành có vốn điều lệ 150 tỉ đồng, chuyên sản xuất đồ mộc, ván trang trí nội thất; Mua bán gia công các sản phẩm mộc, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu trong ngành chế biến gỗ; Mua bán gia công các sản phẩm nông, lâm, thủy sản... Nhà đầu tư đăng ký tham gia từ ngày 10 - 24.9 và nộp lại phiếu tham dự đấu giá trước 15 giờ ngày 28.9. Công ty sẽ tổ chức một buổi giới thiệu vào ngày 19.9.

* 500 tỉ đồng trái phiếu Đô thị TP.HCM sẽ được Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức đấu thầu vào ngày 18.9. Trái phiếu gồm các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm (được phát hành ngày 20.9.2007). Đấu thầu dưới hình thức kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất (khối lượng trái phiếu đấu thầu không cạnh tranh lãi suất không vượt quá 30% tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu). Thời hạn nộp phiếu dự thầu là trước 14 giờ ngày 18.9.

TN

Các tin tức khác

>   VPBS: Thông báo tăng vốn điều lệ (08/09/2007)

>   Bài giới thiệu về PET (07/09/2007)

>   Tìm vốn không khó! (07/09/2007)

>   DHG: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (07/09/2007)

>   HAS trả cổ tức đợt 1/2007, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và lấy ý kiến cổ đông văn bản về việc niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành thêm (07/09/2007)

>   SAM trả cổ tức đợt 1 năm 2007 (07/09/2007)

>   IMP: Bản cáo bạch phát hành thêm (07/09/2007)

>   SAV: Giao dịch quyền mua cổ phiếu của cổ đông nội bộ (07/09/2007)

>   SFC: Giao dịch quyền mua cổ phiếu của cổ đông nội bộ (07/09/2007)

>   SFC: Giao dịch quyền mua cổ phiếu của người có liên quan đến BKS (07/09/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật