Tìm vốn không khó!
Thị trường chứng khoán phát triển đang tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi. Trước đó, doanh nghiệp hầu như chỉ trông cậy vào nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Có thể nói, việc tìm vốn bây giờ không khó, vấn đề còn lại là trách nhiệm của doanh nghiệp trước đồng vốn đã được huy động khá dễ dàng.
Huy động vốn: quá dễ!
Cách chừng hai tháng trước, Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn thông báo phát hành ra công chúng 3 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 133 tỉ đồng. Đó là lần đầu tiên công ty này phát hành cổ phiếu rộng rãi ra bên ngoài trong mục tiêu tìm thêm vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất. Gặp lúc thị trường đang đi xuống, công ty quyết định hủy đợt chào bán thì lập tức có ba quỹ đầu tư lớn nhảy vào mua toàn bộ số lượng phát hành.
Mới đây, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Giấy Sài Gòn, lại cho biết vốn điều lệ không còn là 133 tỉ mà là hơn 204 tỉ đồng. Có thêm hai quỹ đầu tư nữa vừa tham gia và công ty đã tiếp tục tăng vốn bằng việc phát hành thêm hơn 9 triệu cổ phiếu.
Tính đến năm ngoái, vốn điều lệ của Giấy Sài Gòn mới được khoảng 100 tỉ đồng. Nhưng chỉ cần hai đợt phát hành cổ phiếu trong năm nay, vốn đã vọt lên hơn gấp đôi số vốn đã ky cóp, tích lũy của hơn 10 năm hoạt động trước đó. Ông Vị nhìn nhận, hiện tại việc tìm vốn khá dễ dàng. Điều này khác hẳn trước đây, cũng những dự án đầu tư nhằm phát triển quy mô doanh nghiệp nhưng tìm nguồn tài trợ vốn là cả vấn đề.
Cùng trong ngành giấy, Công ty Hapaco vừa được cấp phép bán 18 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị theo mệnh giá là 180 tỉ đồng, nâng vốn điều lệ lên 240 tỉ đồng. Hapaco cổ phần hóa từ năm 1999, vốn điều lệ tính đến năm 2006 là 60 tỉ đồng. Như vậy chỉ với đợt phát hành này, tính ra Hapaco sẽ huy động được một lượng vốn điều lệ gấp ba lần vốn cũ, chưa kể còn có một khoản lớn thặng dư vốn. Trước đó, Công ty Giấy Viễn Đông cũng được cấp phép phát hành hơn 11 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên thêm hơn 110 tỉ đồng.
Ở các ngành nghề khác việc tìm vốn cũng không khó như trước. Theo giám đốc một công ty chứng khoán, trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, phải đến 90% số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn đều có phương án phát hành cổ phiếu để huy động vốn; số vốn huy động gấp hai, ba lần vốn cũ. Trong mục tiêu đề ra khi tăng vốn, khá nhiều doanh nghiệp đang “mơ” tới trở thành những tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành nghề. Vốn huy động được đổ vào những lĩnh vực hoàn toàn mới so với lĩnh vực sản xuất kinh doanh lâu nay của mình.
Ví dụ Hapaco dự kiến sẽ đầu tư nhà máy lọc dầu, nhà máy dược phẩm, dự án trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng cho thuê... Công ty cổ phần Dệt may Thành Công thì dự kiến sẽ góp vốn thành lập công ty chứng khoán, đầu tư các dự án khu du lịch, resort, hạ tầng khu công nghiệp, căn hộ cao cấp...; còn ngành nghề dệt may của công ty, sắp tới tỷ trọng sẽ chỉ còn 50%.
Vì sao huy động ồ ạt?
Theo Thạc sĩ Lê Đạt Chí, khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế Tp.HCM, có thể thấy trong một thời gian dài trước đó với điều kiện quá khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, phần lớn doanh nghiệp trong nước không sao thoát khỏi quy mô hoạt động quá nhỏ bé.
Cho nên khi thị trường chứng khoán bùng nổ, nhu cầu đầu tư cổ phiếu tăng mạnh, đã tạo nên một cơ hội vàng cho doanh nghiệp thu hút các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, kể cả luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Cơ hội này giúp cho doanh nghiệp có thể mau chóng tăng vốn, tạo ra sức mạnh tài chính, từ đó phát triển về quy mô và có thể xác lập được vị thế của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Lê Đạt Chí, trong điều kiện nền kinh tế đang tăng trưởng, cơ hội đầu tư còn khá nhiều cho doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp có thể vừa xác định đâu là thế mạnh của mình để đầu tư đúng đắn nhưng đồng thời có thể tận dụng cơ hội để đầu tư vào những lĩnh vực khác có lợi.
Tuy nhiên, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Công ty Giấy Sài Gòn, lại giữ quan điểm nên có chiến lược đầu tư vào những mục tiêu dài hạn trên cơ sở phát huy thế mạnh của ngành, lĩnh vực mà mình đang sản xuất, kinh doanh. Theo ông Vị, thặng dư vốn từ việc phát hành cổ phiếu vừa qua ở nhiều doanh nghiệp là khá lớn.
Để vốn không nằm “chết” một chỗ, doanh nghiệp đưa tiền trở lại vào thị trường chứng khoán thông qua hình thức đầu tư tài chính; hoặc trường hợp phổ biến thứ hai là dùng tiền huy động để đầu tư bất động sản. Ông Vị nói: “Nếu nền kinh tế ổn định thì không sao. Nhưng nếu có biến động thì có nguy cơ kéo theo đổ vỡ dây chuyền”.
Việc phát hành cổ phiếu để huy động vốn ồ ạt còn có một lý do khác đã được nhiều ý kiến đề cập: đó là vì lợi ích cá nhân. Theo một chuyên viên về chứng khoán, không quá khó hiểu về việc hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mạnh dạn phát hành cổ phiếu để tăng vốn, trong đó không phải không có những dự án tăng vốn mà hiệu quả đầu tư chưa được tính toán kỹ lưỡng. Trong thời điểm mà giá cổ phiếu tăng như hồi đầu năm, việc phát hành cổ phiếu còn có lợi về tài chính cho các cá nhân, trong đó phải kể đến những người nắm giữ cổ phần chi phối, những cổ đông chủ chốt và cổ đông lớn.
Thận trọng!
Theo các chuyên gia tài chính, việc tăng vốn quá lớn trong một lộ trình quá nhanh có thể dẫn đến phá vỡ cấu trúc vốn, mất cân đối giữa vốn chủ sở hữu và vốn nợ, dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả. Theo ông Vũ Ngọc Kình, Phó giám đốc chi nhánh Tp.HCM Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với việc đầu tư dự án trung và dài hạn, việc doanh nghiệp huy động vốn từ các cổ đông là khá hợp lý.
Bởi, nguồn vốn từ ngân hàng cho doanh nghiệp vay chủ yếu là vốn ngắn hạn, khó có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư dự án. Tuy nhiên, do việc huy động vốn từ cổ phiếu dẫn đến dư thừa vốn chủ sở hữu và doanh nghiệp lại đưa vào đầu tư tài sản lưu động ngắn hạn thì sẽ làm tăng chi phí sử dụng vốn. Nguồn vốn chủ sở hữu chỉ thích hợp cho đầu tư tài sản cố định, tài sản lưu động thường xuyên.
Theo ThS. Lê Đạt Chí, cấu trúc vốn tối ưu hiện vẫn là một vấn đề khá khó khăn ở nhiều doanh nghiệp. Cấu trúc này phải đạt được ba yếu tố: chi phí sử dụng vốn thấp nhất, rủi ro thấp nhất, và giá trị doanh nghiệp tăng cao. Theo ông Chí, khi vốn huy động vào nhiều mà tiến độ giải ngân cho dự án chậm thì doanh nghiệp có thể tạm thời đem đầu tư vào chỗ khác tuy nhiên phải tính đến tiêu chí an toàn. Nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời này có thể đầu tư vào trái phiếu thay vì đầu tư vào thị trường cổ phiếu đầy rủi ro.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, nhận định, trong việc phát hành cổ phiếu huy động vốn của các doanh nghiệp hiện nay còn xuất hiện một vài hiện tượng đáng lo ngại cho nền kinh tế. Có những đề án xin thành lập doanh nghiệp mới, chẳng hạn thành lập ngân hàng, hoặc xin phát hành cổ phiếu tăng vốn mà thực chất chỉ nhằm bán cổ phiếu ra công chúng để có giá trị chênh lệch cao.
Điều lo ngại, theo ông Dương, là doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt từ việc phát hành cổ phiếu mà không nghĩ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ra sao. Có thể doanh nghiệp và cả một số cá nhân hưởng được thặng dư vốn từ việc bán cổ phiếu, nhưng sau đó bản thân doanh nghiệp lãnh đủ, nhà đầu tư chịu thiệt thòi và tác động xấu đến nền kinh tế.
TBKTSG
|