Chạy đua cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến
Chiêu cạnh tranh mới của các công ty chứng khoán
Mục tiêu của các công ty chứng khoán đang tăng tốc triển khai dịch vụ giao dịch trực tuyến hiện nay là để cạnh tranh dịch vụ thu hút khách hàng trong bối cảnh thị trường không còn nóng như trước.
Trong tương lai gần, khi Sở GDCK TPHCM (HoSE) thử nghiệm giao dịch (GD) không sàn, tiến tới bỏ đại diện GD tại sàn và thực hiện giao dịch trực tuyến (GDTT) qua mạng Internet thì việc các CTCK hiện nay đang ráo riết chuẩn bị cho mình các công cụ, sản phẩm GDTT để đón đầu xu thế là điều không lạ.
Tuy nhiên, mục tiêu của CTCK đang tăng tốc triển khai dịch vụ GDTT hiện nay là để cạnh tranh dịch vụ thu hút khách hàng trong bối cảnh thị trường không còn nóng như trước. GDTT được xem như một công cụ thu hút khách hàng hữu hiệu, nhất là NĐT ở các tỉnh, thành cách xa trung tâm.
Chạy đua nâng cấp
Là một trong những CTCK "sinh sau đẻ muộn", nhưng Gia Quyền (EPS) đang nỗ lực khẳng định được vị thế thông qua triển khai phương thức GDTT để "hút" NĐT. Chỉ sau hơn 2 tuần đi vào hoạt động, EPS đã quản lý hơn 200 tài khoản mới.
Ông Trần Quang - GĐ phát triển kinh doanh EPS - cho biết, Cty đã đặt trọng tâm vào ba vấn đề chính trong chiến lược phát triển là GDTT, dịch vụ (có đào tạo công nghệ cho khách hàng) và đường truyền.
Để giúp NĐT hiểu rõ hơn những tiện ích và thuận tiện mà GDTT mang lại, đồng thời tìm hiểu cách thức về loại hình giao dịch này tại các TTCK lớn như Mỹ, Nhật, xu thế phát triển GDTT tại VN trong tương lai như thế nào, EPS cho biết, sẽ liên tục tổ chức hội thảo với nội dung trên.
Đây được coi là "vũ khí" để cạnh tranh trong điều kiện NĐT khá thờ ơ với thị trường, không còn cảnh chen chân đặt lệnh nữa. Thậm chí, một vài CTCK mới đang "chết đứng" khi nhiều tháng đi vào hoạt động nhưng chỉ có vài trăm tài khoản.
Theo ông Quang, trong tương lai gần việc mua bán CK của NĐT sẽ được thực hiện hoàn toàn qua Internet. NĐT không cần đến sàn, nhưng vẫn GD mua bán bình thường, thậm chí còn thuận lợi hơn đến sàn như trước thông qua các phần mềm chuyên nghiệp.
Chẳng hạn sản phẩm Easy Online Trade của EPS sẽ cho phép NĐT đặt lệnh; theo dõi trạng thái lệnh đã đặt; trạng thái T+1, T+2, T+3 của CK; quản lý danh mục đầu tư... Do vậy, nếu không nhanh chóng triển khai cũng như tiếp cận NĐT lúc này e rằng CTCK sẽ khó theo kịp sự phát triển của thị trường.
Ông Nguyễn Diệp Tùng - TGĐ CTCK FPTS - cũng cho hay, FPTS sẽ có chiến lược thu hút NĐT ở các tỉnh, thành trên cả nước tham gia mua - bán CK qua phương thức GDTT, thay vì bành trướng quy mô hoạt động dưới hình thức mở chi nhánh, phòng nhận lệnh.
Theo ông Tùng, chiến lược phát triển của FPTS là lấy GDTT làm trọng tâm và mục tiêu cho quá trình phát triển và thu hút khách hàng thời gian tới. TGĐ CTCK SBS (trực thuộc Sacombank) - ông Nguyễn Hồ Nam - cho biết, Cty cũng đã triển khai GDTT cho NĐT nước ngoài để giúp họ giảm bớt chi phí và thời gian khi có nhu cầu đầu tư vào TTCK VN.
Đi tắt để thành công?
Số lượng các Cty triển khai dịch vụ GDTT trên TTCK VN hiện chỉ mới đếm trên đầu ngón tay và VCBS là đơn vị tiên phong áp dụng GDTT. Thế nhưng, GDTT trong mua bán CK ở VN vẫn chưa thể hiện đúng nghĩa của nó, vì HoSE chưa thể kết nối online với CTCK trong việc chuyển lệnh trực tiếp. Trong khi đây là một biện pháp tối ưu cho NĐT trong kinh doanh CK.
Ông Dennis Dzũng - Phó TGĐ đầu tư Cty Global American Investments (Mỹ), đơn vị chuyên tư vấn cho các NĐT Mỹ tham gia mua bán CP trên TTCK VN, đồng thời là người nhiều năm kinh nghiệm trên sàn CK Mỹ - cho rằng, khi GDTT được đưa vào áp dụng chắc chắn sẽ tạo được tính minh bạch cao cho thị trường, đồng thời nâng cao tính thanh khoản của CP. Đặc biệt là đối với TTCK mới phát triển như VN. Thực tế, ở các nước trên thế giới đã thành công khi áp dụng phương thức giao dịch này.
Ông Võ Minh Tuấn - Trưởng VPĐD Cty TMMP tại TPHCM (đơn vị chuyên tư vấn cho NĐT Nhật Bản tìm kiếm cơ hội trên TTCK VN), cũng là người có kinh nghiệm 10 năm tại TTCK Nhật Bản - cho biết, chiến lược phát triển của các CTCK "sinh sau đẻ muộn" ở Nhật chủ yếu là GDTT.
Tuy không có quy mô về mặt bằng, nhưng các CTCK này đã thành công hơn so với những đơn vị thâm niên hoạt động lâu, vì hầu hết NĐT Nhật đã quen với GDTT. Do vậy, theo ông Tuấn, các CTCK VN sớm áp dụng GDTT sẽ nhanh chóng thành công. Tuy nhiên, so với Nhật Bản hiện VN vẫn còn hạn chế việc NĐT mở một lúc nhiều tài khoản.
"Có thể điều này sẽ mang lại rủi ro và khó tránh được hậu quả khi TTCK VN được online hoàn toàn. Vì nếu có nhiều tài khoản, khi tài khoản này bị sự cố do đường truyền của CTCK, NĐT có thể dùng tài khoản khác để mua bán" - ông Tuấn lý giải.
Khi thị trường dần đi vào ổn định, NĐT quen dần với mua bán CP qua Internet, GDTT sẽ là công cụ đắc lực cho CTCK trong việc thu hút khách hàng. Theo ông Phan Xuân Thọ - Trưởng phòng Công nghệ thông tin HoSE, ngày 15.10 tới HoSE sẽ chính thức đưa vào thử nghiệm việc GD không sàn bằng cách đưa các đại diện sàn về CTCK.
Đến quý II/2008, HoSE có thể online hoàn toàn, lúc này NĐT sẽ được mua bán CK tại nhà, giảm được chi phí cho quá trình đi lại, nhất là khi giao thông VN chưa thể giải quyết hết bất cập. CTCK giảm được con người và HoSE tiết kiệm chi phí quản lý.
LĐ
|