Thứ Hai, 17/09/2007 07:38

Thị trường dao động như hiện nay là rất tốt

Những dự đoán lạc quan về thị trường được các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước công bố; các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mở rộng đầu tư; các doanh nghiệp niêm yết đạt kết quả kinh doanh tốt... thế nhưng, xu thế chủ đạo của thị trường vẫn là sụt giảm. Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình “Giảng dạy kinh tế Fulbright” trao đổi xung quanh những diễn biến có vẻ khó hiểu của thị trường chứng khoán hiện nay.

* Hầu hết các nhận định đều cho rằng, thị trường cuối năm sẽ lạc quan. Ông có thể cho biết ý kiến của riêng mình về vấn đề này?

- Đối với các thị trường đã phát triển mà ở đó các nhà đầu tư (NĐT) có tổ chức, những người có khả năng và nguồn lực để có thể phân tích và nhìn nhận được bản chất của thị trường, của từng loại chứng khoán chiếm đa phần, thì giá chứng khoán biến động theo sức khỏe của doanh nghiệp (DN), chỉ số chứng khoán biến động theo sức khỏe của nền kinh tế. Nếu dựa vào hai yếu tố này thì có thể nói rằng từ nay đến cuối năm, việc tăng mạnh của chỉ số chứng khoán là khó có thể xảy ra vì giá nhiều loại cổ phiếu (CP) có vẻ như đã cao hơn giá trị thực hay khả năng tạo ra lợi nhuận của DN.

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường của chúng ta còn rất non trẻ và hầu hết là các NĐT cá nhân ít có khả năng phân tích thông tin mà chủ yếu đầu tư theo kiểu “bầy đàn” trong tình trạng bất cân xứng về thông tin còn rất trầm trọng. Do vậy, trong trường hợp có những thông tin được đưa ra (do chủ ý của những đối tượng có khả năng thao túng thông tin mà thực tế điều này đã và đang xảy ra) sẽ tạo ra sự hứng khởi cho các NĐT thì khả năng một đợt sốt giá trong thời gian cuối năm là điều có thể. Khi đó không biết đâu mà lần và một lần nữa, thiệt hại lại thuộc về những người yếu thế hơn. Theo tôi, nếu thị trường phát triển lành mạnh thì từ nay đến cuối năm chỉ số chứng khoán sẽ dao động như hiện tại hoặc thay đổi khoảng 5% - 7% là cùng, còn “nóng” như năm ngoái sẽ không tốt cho thị trường lâu dài.

* Sự sụt giảm của thị trường từ tháng 3 đến nay đã khiến nhiều NĐT cá nhân và cả các tổ chức đầu tư nước ngoài vốn dày dạn kinh nghiệm, khả năng tài chính dồi dào bị thua lỗ. Có phải thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất nguy hiểm cho các NĐT?

- Nếu ai cũng lỗ thì tiền chảy đi đâu, đó là vấn đề. Chúng ta biết rằng trò chơi có tổng bằng 0 và dứt khoát một người mất thì một người phải được chứ không thể có chuyện là tất cả mọi người đều lỗ. Tình huống có thể xảy ra là, lúc giá chứng khoán ở mức cao (giai đoạn VN-Index trên 1.100 điểm chẳng hạn) thì một số người bán ra vì họ đã quan sát và nhận định đây là thời điểm tốt nhất và họ có lời từ sự chênh lệch giá này. Sau đó thị trường đi xuống và những người mua vào tại thời điểm cao đó đương nhiên lỗ. Còn những người mua từ đầu năm, lúc chứng khoán mới ở mức trên 700 điểm thì không thể lỗ. Thậm chí nếu họ không bán khi thị trường ở thời điểm cao nhất mà giữ tới bây giờ thì từ trên 700 điểm lên đến trên 900 điểm như hiện nay thì cũng đã có lời. Từ đó cho thấy, không thể có chuyện tất cả mọi người đều lỗ.

Theo quan sát của tôi, những người lỗ chủ yếu là những “tay mơ”, nghĩa là những người mới vào, có ít tiền bỏ vào mua lúc chứng khoán đang ở mức cao. Những người này hay rơi vào vị thế mua cao bán thấp và bị lỗ. Nếu nói nguy hiểm là nguy hiểm ở chỗ đó. Còn ở một thị trường lành mạnh thì sự gia tăng của giá chứng khoán tương ứng với sự phát triển và tốc độ làm ra lợi nhuận của DN. Lúc đó, trò chơi sẽ như sau. Nếu lãi suất tiết kiệm ngân hàng là 10% thì các nhà kinh doanh chứng khoán yêu cầu lợi nhuận cao hơn (gấp đôi chẳng hạn).

Không có kinh doanh gì mà lợi nhuận 100%, 200%... đó chỉ là một thời khắc bùng lên của một thị trường còn non trẻ. Với một thị trường phát triển lành mạnh, bền vững thì chỉ số chứng khoán mỗi năm chỉ cần tăng 20% - 30%. Với mức tăng này, trò chơi không phải có tổng bằng 0 mà sẽ có tổng dương. Nghĩa là các nhà kinh doanh chứng khoán dài hạn thay vì gửi ngân hàng hưởng lãi 10% mỗi năm thì đầu tư chứng khoán họ chấp nhận rủi ro hơn người ta có thể được 20%, 30%.

Thêm một sự nguy hiểm của thị trường ở ta là tư tưởng đánh bạc trên thị trường của rất nhiều người, muốn giá tăng mạnh, nhanh... Từ đây xảy ra bi kịch, khi lên mọi người đổ xô đi mua và giá bị đội lên thật và ai cũng cho rằng phán đoán của mình đúng. Nhưng lên do tâm lý, do sự kỳ vọng thì đến một lúc nào đó giá sẽ giảm. Còn giá lên theo sức khỏe của DN kể cả khi bị tác động khách quan, giá cũng chỉ đứng ở mức nhất định nào đó.

* Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang đứng trước áp lực giải ngân vào dịp cuối năm và đây là lý do người ta có thể kỳ vọng vào sự lạc quan của thị trường vào quý IV này?

- Cũng có thể và cũng không thể bởi vì áp lực giải ngân chỉ là một chuyện. Vấn đề quan trọng mà ta phải xác định là họ bỏ tiền để làm gì, có phải cố mua cho được chứng khoán hay không? Khi đầu tư, họ phải tính toán.

Ví dụ nếu đầu tư trên thị trường Mỹ hay các thị trường ổn định khác họ có được mức sinh lợi khoảng 10% thì vào Việt Nam họ kỳ vọng ít nhất cũng gấp rưỡi hay gấp đôi con số này. Khi đó, họ sẽ cân nhắc xem chứng khoán nào có khả năng tạo ra lãi suất sinh lợi đúng kỳ vọng thì họ mới mua. Nhìn tổng quan các quỹ vào Việt Nam chúng ta sẽ thấy, họ chấp nhận thời gian chờ đợi lên tới một vài năm để.

tìm cơ hội tốt rồi mới đầu tư. Tức là họ không chịu áp lực giải ngân nếu có giải trình hợp lý bởi mục tiêu của họ rất rõ ràng. Đạt suất sinh lợi yêu cầu chứ không phải giải ngân cho hết tiền trong một khoảng thời gian nào đó. Chúng ta đều biết, các quỹ thường tính đường dài chứ không phải 1 - 2 năm.

* Xin cám ơn ông!

Trả lời câu hỏi “Theo ông, vào lúc này, NĐT nên giữ, mua vào hay bán chứng khoán?”, ông Huỳnh Thế Du nói: “Để biết cần phải làm gì, ta phải phân tích dưới 2 góc độ là NĐT hay nhà đầu cơ. Nếu là NĐT mua và giữ chứng khoán 5 năm - 10 năm, mong giá lên dựa vào bản chất, sức khỏe của DN thì phải phân tích cơ bản tất cả các thông số liên quan.

Nếu chứng khoán đang nắm giữ ở đúng giá trị thực, có khả năng tạo ra suất sinh lợi cho mình thì không việc gì phải bán ra. Còn đối với những chứng khoán quá giá thì người ta có thể dùng phương pháp cắt lỗ dựa trên nguyên tắc 3 đôla hay 5% - 10%. Nghĩa là giá lên xuống trong một giới hạn nào đó thì mua vào hoặc bán ra. Nếu là nhà đầu cơ thì giá cao bao nhiêu không quan trọng.

Nếu cảm thấy (vẫn phải dựa trên các phân tích kỹ thuật của riêng mình) ngày mai có người mua giá cao hơn thì mua vào và ngược lại, đương nhiên phải tính toán cả phí giao dịch mỗi lần mua bán để có được lợi nhuận tối thiểu trong đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế ở các thị trường có lịch sử lâu đời, số nhà đầu cơ thắng cuộc rất ít vì cứ mỗi giao dịch phải chịu một khoản phí, giống như vào sòng bài vậy, sau một hồi thu tiền xâu nhà cái lấy hết”.

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Câu chuyện về các bản báo cáo nội, ngoại (17/09/2007)

>   Nở rộ báo cáo về triển vọng TTCK (17/09/2007)

>   Cho vay chứng khoán:Giới ngân hàng nhìn lại Chỉ thị 03... (15/09/2007)

>   PPC sẽ mua lại 1 triệu cổ phiếu (15/09/2007)

>   Cổ phiếu dầu khí thứ hai lên sàn (14/09/2007)

>   Thông tin xử phạt Đại diện giao dịch (14/09/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc cấp Giấy phép cho CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (14/09/2007)

>   HTV: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (14/09/2007)

>   CLC Thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh (14/09/2007)

>   VFC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (14/09/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật