Xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ ước đạt 60 tỷ USD trong 3 năm tới
Hiệp hội các Công ty Phần mềm và Dịch vụ Quốc gia Ấn Độ (NASSCOM) vừa công bố báo cáo điều tra hàng năm cho hay, xuất khẩu phần mềm và các dịch vụ liên quan của Ấn Độ dự báo sẽ tăng gấp hai lần lên 60 tỷ USD trong ba năm tới, giúp Ấn Độ duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này trước các đối thủ khác, như Trung Quốc.
Trong tài khóa 2006 (kết thúc ngày 31/3/07), xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ tăng 33% lên 31,4 tỷ USD. NASSCOM dự báo doanh thu của lĩnh vực phần mềm và các dịch vụ liên quan sẽ tăng 24-27% lên 49-50 tỷ USD trong tài khóa 2007.
Ấn Độ hiện là địa chỉ lựa chọn hàng đầu cho dịch vụ ngoại biên công nghệ thông tin (IT) nhờ các thế mạnh như đội ngũ nhân tài, năng lực quản lý dự án, kỹ năng sử dụng tiếng Anh hơn hẳn Trung Quốc, an ninh và chất lượng.
Tuy nhiên, Chủ tịch NASSCOM Kiran Karnik cũng lưu ý ngành chế tạo phần mềm của Ấn Độ cần phải nhanh chóng tháo gỡ những thách thức chủ yếu trong thời gian ngắn và trung hạn, bao gồm việc đồng rupee mạnh lên, thiếu hụt lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng còn yếu kém.
Sự mạnh lên của đồng rupee đã làm giảm lợi nhuận từ xuất khẩu của ngành chế tạo phần mềm Ấn Độ - ngành có tới 2/3 doanh thu bằng đồng USD. Đồng rupee cuối tuần qua đứng ở mức 40,7 rupee đổi 1 USD, tăng gần 10% so với đầu năm nay và 14% so với 1 năm trước đây.
Dun and Bradpiece -công ty cung cấp thông tin tài chính có trụ sở tại Mỹ- ước tính ngành chế tạo phần mềm Ấn Độ có thể thiếu 500.000 lao động lành nghề vào năm 2009, đồng thời sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ đang nổi lên như Trung Quốc và Philíppin.
Ngành phần mềm hiện đóng góp khoảng 5,2% vào GDP của Ấn Độ. Theo tạp chí Dataquest, ba công ty IT hàng đầu của Ấn Độ, gồm Tata Consultancy, Infosys Technologies và Wipro đã thu được khoảng 8,7 tỷ USD từ xuất khẩu trong tài khóa 2006.
AFP
|