Triển khai chương trình Chính phủ cùng doanh nghiệp hội nhập
Ngày 13-7, với sự trợ giúp của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã tổ chức hội nghị “Hội nhập WTO - chương trình hành động của Chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp (DN)” nhằm phổ biến các cam kết WTO của VN và chương trình hành động của Chính phủ hậu WTO.
Chương trình xác định nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, Trung ương và địa phương, DN thuộc các thành phần kinh tế thực hiện Nghị quyết số 16 của BCH TƯ Đảng nhằm tận dụng cơ hội để vượt qua thử thách, đưa nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, nhanh và bền vững. Nghị quyết cũng đặt ra 12 nhiệm vụ cần giải quyết liên quan tới các khía cạnh nhà nước và DN cần thực hiện mà nền kinh tế có thể chịu những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của việc thực thi cam kết WTO. Chính phủ đã giao 26 hành động cụ thể và 120 hành động khác để các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các địa phương phải triển khai hoàn thành ngay trong năm 2007 và giai đoạn 2007-2010.
Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện thành công, trước tiên Chính phủ cần đưa việc cải cách hành chính lên nhiệm vụ hàng đầu. Về phía các DN, phải tự xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách dài hạn để hội nhập. Điều khiến nhiều người lo ngại hiện nay, đó là vai trò của các hiệp hội ngành nghề tại VN còn rất mờ nhạt, hiện rất ít hiệp hội hoạt động hiệu quả, trở thành chỗ dựa cho DN khi đối mặt với các vấn đề liên quan đến mở rộng thị trường và kiện chống bán phá giá…
Việc thực hiện các cam kết WTO, các diễn giả nhận định, trong 5 năm đầu gia nhập, sẽ chưa có tác động nhiều đến nền kinh tế, song về lâu dài khi chúng ta thực hiện mở cửa theo lộ trình, sẽ tạo áp lực lớn đối với các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Theo đó, ngoài việc cam kết với WTO, chúng ta còn thực hiện các cam kết đa phương và song phương với các khu vực và các nước như VN-ASEAN, VN-Trung Quốc, VN-Hàn Quốc…
Để giảm thiểu những tác động từ hội nhập, cần có sự kết nối bền chặt giữa Chính phủ và DN, giữa hiệp hội và các bộ ngành, DN. Chính phủ, các bộ ngành phải thực sự trở thành kênh cung cấp thông tin về cam kết, đàm phán, định hướng phát triển kịp thời cho các DN. Ngược lại, các DN cũng sẽ phản ánh kịp thời lên Chính phủ thông qua các hiệp hội những văn bản, chính sách ban hành chưa sát với thực tế, những vướng mắc từ thị trường để từ đó Chính phủ hoạch định đường lối phù hợp hơn.
SGGP
|