Tin vắn kinh tế
Trung Quốc
* Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) cuối tuần qua đã ký thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng 800 triệu USD với lãi suất thấp giúp Malaixia triển khai dự án xây dựng một cây cầu dài 25 km, nối đảo Penang của nước này với Trung Quốc. Khoản vay thời hạn 20 năm và lãi suất ưu đãi 3%/năm này sẽ được chuyển cho một liên doanh (đấu thầu dự án) giữa công ty xây dựng UEM Construction Shd (Malaixia) và tập đoàn China Harbour Engineering (Trung Quốc). Đây được coi là khoản đầu tư lớn nhất từ xưa đến nay mà Trung Quốc rót vào một dự án ở nước ngoài.
*Các trận mưa bão kéo dài trong hơn một tuần qua tại các tỉnh Tứ Xuyên, An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc và Thiểm Tây ở miền Trung Trung Quốc đã làm hơn 100 người chết, hàng chục người mất tích và thiệt hại kinh tế lên tới hơn 7 tỷ NDT (gần 1 tỷ USD). Bộ Dân Chính Trung Quốc cho biết mưa lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 28 triệu người. Kết quả thống kê cho thấy hiện đã có 75.500 ngôi nhà bị phá sập, 295.600 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và khoảng 800.000 người buộc phải sơ tán. Riêng ngành nông nghiệp bị thiệt hại trực tiếp 3,7 tỷ NDT (485 triệu Đôla Mỹ), với 2,13 triệu ha cây trồng bị hư hại.
Campuchia
*Báo chí Campuchia vừa cho biết, nước này đã nhận 594 triệu USD viện trợ quốc tế trong năm 2006, so với 610 triệu USD năm 2005, trong đó 110 triệu USD được dành cho lĩnh vực y tế, 93 triệu USD cho lĩnh vực quản lý nhà nước, 73 triệu USD cho giáo dục, 53 triệu USD cho giao thông vận tải và 45,5 triệu USD cho phát triển nông thôn. Gần 1/3 dân số Campuchia hiện sống ở mức nghèo khổ, viện trợ quốc tế chiếm tới một nửa ngân sách cửa nước này. Tại hội nghị các nước tài trợ vừa kết thúc ở thủ đô Phnôm Pênh hồi tháng 6/07, các nước tham dự đã cam kết tài trợ 689 triệu USD cho Campuchia trong năm 2007.
* Theo báo cáo vừa công bố của Chính phủ Campuchia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn là nhà cung cấp tín dụng ưu đãi lớn nhất cho Campuchia trong năm 2006. Số tiền cho vay ưu đãi mà ADB cung cấp cho Campuchia đạt trung bình 54,6 triệu USD mỗi năm. Trong năm 2006, Campuchia đã nhận tổng số tièn cho vay ưu đãi 136 triệu USD, so với 171 triệu USD năm 2005. Trong đó, giao thông vận tải là ngành tiếp nhận vốn vay ưu đãi lớn nhất ở nước này, với tổng số 29,1 triệu USD trong năm qua.
Chilê
Hãng hàng không dân dụng Chilê LAN vừa đặt mua 26 máy bay chở khách Boeing 787 Dreamliner với tổng trị giá khoảng 3,2 tỷ USD, và có thể mua thêm 6 chiếc khác cùng loại để mở rộng các tuyến bay xuyên lục địa. Đây là đợt đầu tư lớn nhất của LAN kể từ khi ra đời năm 1932. Dự kiến, số máy bay trên sẽ được chuyển giao và đưa vào khai thác trong thời gian từ năm 2011 đến 2016. LAN cũng dự định tiếp tục mua thêm khoảng 10 chiếc Boeing 787 vào năm 2017 để củng cố và khẳng định vị trí là một trong những hãng hàng không dân dụng hàng đầu Chilê và khu vực Mỹ Latinh. Năm 2006, LAN đạt lợi nhuận 241,3 triệu USD, tăng 64,3% so với 2005.
Vênêxuêla/Chilê
Ngày 13/7, trong khuôn khổ chuyến thăm Vênêxuêla của Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Bêlarút Viktor Sheiman, hai nước đã cam kết thành lập một quỹ đầu tư chung, trong đó Vênêxuêla góp 500 triệu USD, nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương mà hai bên đã ký nhân chuyến thăm Bêlarút mới đây của Tổng thống Hugo Chavez. Theo dự kiến, chương trình đầu tiên được quỹ hỗ trợ sẽ là dự án theo đó Bêlarút xuất khẩu 1.000 tấn sữa bột sang Vênêxuêla và nhập khẩu khoảng 20 tấn cà phê từ quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài ra, Vênêxuêla cũng hy vọng sẽ hợp tác với Bêlarút trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và trao đổi kinh nghiệm trong một số lĩnh vực thế mạnh khác của hai bên.
Nam Phi
Theo Cơ quan Thống kê Nam Phi (Stats SA), sản lượng khai thác vàng trong tháng 5/07 của nước này đã tăng 1,3% và là lần tăng đầu tiên sau 9 tháng giảm liên tục, chủ yếu do giá vàng trên thị trường thế giới và các khoản đầu tư vào ngành khai thác mỏ của Nam Phi tăng mạnh trong thời gian qua. Hiện Nam Phi là nước xuất khẩu vàng lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sản lượng khai thác vàng của nước này đã giảm hơn 50% trong vòng 10 năm trở lại đây do trữ lượng quặng tại các khu mỏ có chất lượng giảm, công việc khai thác gặp nhiều khó khăn và chi phí khai thác ngày càng tăng. Sản lượng vàng của Nam Phi đã giảm 7,5%, từ 297.311 kg năm 2005 xuống còn 275.119 kg năm 2006.
TTXVN
|