Giá ngũ cốc sẽ tăng nhanh như giá dầu
Do nhu cầu ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất nhiên liệu sinh học tăng mạnh, tờ Nhà Kinh tế số ra gần đây đã cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ lạm phát giá nông sản.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết giá nông sản tăng đang tác động lên thị trường ăn uống ở Mỹ. Năm ngoái, giá nước cam ép ở Mỹ đã tăng 25%, giá trứng tăng 20%, và giá sữa tăng gần 5%. Các công ty bán đồ ăn nhanh đều đã tăng giá bán. Điều này phản ánh tình hình giá ngũ cốc, nhất là giá ngô và lúa mì, tăng mạnh trong thời gian qua. Giá ngô và lúa mì gần đây đều đã lên tới những mức cao kỷ lục trong 10 năm qua.
Sau khi giá dầu và giá kim loại lên đến những mức cao ngất ngưởng, giờ đây các nhà phân tích cũng bắt đầu đặt câu hỏi liệu giá ngũ cốc có lên cao như vậy không?
Câu hỏi xem ra có phần khác lạ. Vì thế giới thiếu ngô và lúa mì, nông dân hoàn toàn có thể trồng thêm, nếu thời tiết cho phép. Đó là điều họ đã và đang làm. Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm tới sẽ đạt mức kỷ kục 1,660 tỷ tấn, vượt hẳn con số 1,569 tỷ tấn của năm ngoái. Nhưng vấn đề là ở chỗ nhu cầu ngũ cốc đang tăng nhanh hơn sản lượng, có thể lên tới 1,680 tỷ tấn trong năm nay.
Nhu cầu tăng mạnh chủ yếu là do người ta ngày càng dùng nhiều ngũ cốc để sản xuất nhiên liệu sinh học, như ethanol. Thông thường ngũ cốc chủ yếu dùng làm lương thực cho người và thức ăn cho gia súc. Mức sử dụng làm lương thực cho người đã tăng chậm lại trong vài thập kỷ qua do dân số tăng chậm. Nhưng nhu cầu để chăn nuôi gia súc lại tăng mạnh hơn vì ở những nước kinh tế phát triển nhanh như Trung Quốc chẳng hạn, ngày càng nhiều người trở nên sung túc hơn và có thể tăng thêm khẩu phần thịt trong bữa ăn hàng ngày.
Trong khi đó lượng ngũ cốc dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học tăng vọt lên. Ví dụ ở Mỹ, kể từ năm 2000, lượng ngô dùng để sản xuất ethanol đã tăng lên gấp 3 lần. Các nhà máy sản xuất ethanol hiện tiêu thụ 20% sản lượng ngô của Mỹ. Và Mỹ mới chỉ là 1 trong 41 nước đang khuyến khích dùng nhiên liệu sinh học để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ.
Kết quả là nhu cầu ngũc cốc tăng mạnh. Trong những năm 1990, khi dầu còn rẻ và người ta chưa quan tâm đến nhiên liệu sinh học, nhu cầu ngũ cốc hàng năm chỉ tăng 1,2%, những năm gần đây tăng 1,4% và có thể trong thập kỷ tới sẽ tăng 1,9%/năm.
Nông dân đang phải vật lộn để tăng sản lượng cho kịp với nhu cầu. Dự báo nhu cầu ngô sẽ tiếp tục tăng vượt cung ít nhất là đến năm 2009. Để sản xuất được nhiều ngô như hiện nay, nông dân phải giảm trồng đỗ tương và lúa mì, và rốt cuộc sẽ đẩy giá hai loại nông sản này tăng lên. Các loại ngũ cốc chăn nuôi chủ chốt cũng sẽ trở nên đắt đỏ, khiến gía thành thịt, trứng và thực phẩm nói chung sẽ tăng và các chu kỳ tăng giá này sẽ nối tiếp nhau diễn ra.
Khi nhu cầu tăng chậm lại, nông dân có thể đáp ứng thông qua các biện pháp tăng dần năng suất. Nhưng để đối phó với nhịp tăng cầu có tính bùng nổ hiện nay, họ phải tăng nhanh năng suất, nếu không thì phải đưa thêm đất vào canh tác.
Hiện thời cả hai hướng này đều có thể thực hiện được, thông qua các biện pháp như tăng cường ứng dụng công nghệ gien để tăng năng suất và khai hoang để tăng diện tích canh tác vì các cường quốc nông nghiệp đang phát triển còn diện tích đất hoang để khai khẩn. Nhưng vấn đề là ở chỗ các nước sản xuất đó nằm xa thị trường lớn và các vùng đất khai hoang thường nằm xa các hệ thống đường sá vận tải. Việc ứng dụng các công nghệ gien cũng rất tốn kém và đang có nhiều tranh cãi về chính trị. Vì vậy, có lẽ phải tới khi giá lên cao tới mức báo động người ta mới có thể tiến tới khắc phục các trở ngại trên và tạo ra thêm nguồn cung cấp mới.
Tuy nhiên, ngay cả khi đưa được đất mới vào canh tác, người ta cũng chưa giảm được giá ngũ cốc. Vì lượng sử dụng nhiên liệu sinh học hiện chưa đáng kể so với lượng sử dụng dầu mỏ trên thế giới, nhưng xét về hiệu quả đầu vào, giá ngô và giá dầu thô, hai nguyên liệu chính để sản xuất nhiên liệu thành phẩm chạy ô tô, đã ngang bằng nhau. Thực tế, giá nhiên liệu sinh học ở Mỹ cũng đã tăng lên ngang bằng giá xăng. Việc sản xuất nhiên liệu sinh học không làm cho giá dầu giảm xuống. Việc mở rộng sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ làm cho gia ngô và ngũ cốc nói chung tăng lên rất mạnh và cách duy nhất làm cho giá ngũ cốc giảm xuống là phải hãm phanh các chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học và kéo giá dầu xuống thấp.
Cả hai hướng này dường như đều khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Ở Mỹ, tuần này Quốc hội sẽ thảo luận về việc có nên tăng mục tiêu sản lượng nhiên liệu sinh học lên gấp đôi hay không. Trong khi giá dầu thế giới đã tăng lên những mức cao nhất trong 10 tháng qua do tình trạng đình công của công nhân khai thác dầu và những sự cố khác ở Nigiêria.
TTXVN
|