Nhận dạng các nhóm nhà đầu tư
Những ai bàng quan với thị trường chứng khoán?
Thị trường đang trong qua giai đoạn điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, các nhóm NĐT khác nhau lại có những ứng xử khác nhau. Có thể phân loại NĐT thành 3 nhóm chính: Người bàng quan với những biến động; người bi quan; và những người tin tưởng vào sự phục hồi.
Hiểu cơ chế ra quyết định của họ sẽ giúp có cái nhìn đúng và chính xác hơn về tình hình TTCK hiện nay.
Những NĐT "bất đắc dĩ"?
Những người đầu tư theo hình thức tiết kiệm tăng trưởng là các NĐT dài hạn "bất đắc dĩ". Đây là những đối tượng tin vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế nói chung, của TTCK và bản thân các DN nói riêng, nên thay vì gửi tiết kiệm, họ góp vốn vào các Cty và kỳ vọng vào sự tăng trưởng sau này của Cty, chứ không thực sự quan tâm đến sự thay đổi giá hàng ngày trên bảng điện tử.
Đối tượng NĐT này thông thường bao gồm CBCNV của các Cty cổ phần có CP giao dịch, những cá nhân có thu nhập trung bình khá trở lên và có hiểu biết về TTCK. Số vốn họ bỏ ra hoàn toàn từ tiết kiệm của bản thân cá nhân và gia đình, do vậy họ không bị áp lực trả nợ vay như những NĐT vay vốn để kinh doanh.
Phương pháp đầu tư ưa thích của đối tượng này là: Average costing. Hình thức này được giải thích đơn giản như sau: Anh A có thu nhập nhàn rỗi bình quân 1 triệu đồng/tháng, anh dùng số tiền này mua một vài loại CK "yêu thích", công việc được tiếp tục cho đến khi anh có nhu cầu cần tiền.
Thực tế tại TTCK Mỹ đã chứng minh, với phương pháp đầu tư này, sau khoảng 15 năm đầu tư, anh sẽ có thu nhập gấp hàng trăm lần so với gửi tiết kiệm mà vẫn không phải đau đầu theo dõi sự nhảy múa của các con số trên bảng điện tử hàng ngày.
Đối với các NĐT thuộc hình thức này, số vốn họ có không nhiều nhưng mang tính ổn định và thường ít khi bị rút ra khỏi thị trường khi thị trường đi ngang hoặc có dấu hiệu suy giảm.
Đầu cơ theo xu hướng
Đối tượng thứ hai thuộc hình thức NĐT này có thể kể đến các nhà đầu cơ lão luyện. Đối với các nhà đầu cơ bao giờ cũng đưa ra những tiêu chí đầu cơ riêng cho mình, một trong những tiêu chí quan trọng là: Không đầu cơ khi chưa rõ xu hướng.
Đặc biệt tại TTCK VN, khi các nhà đầu cơ chưa được mua khống, bán khống thì rõ ràng các nhà đầu cơ chỉ phát huy hiệu quả khi thị trường lên. Các NĐT sẽ không quan tâm (không mua bán) khi thị trường xuống mà sẽ chỉ quay lại và giao dịch mạnh khi thị trường phục hồi hoặc có tín hiệu phục hồi.
Nguồn vốn của đối tượng này thường rất lớn, nhằm thay đổi căn bản quan hệ cung cầu của một hay một số CP trong một thời gian nhất định. Do vậy, khi họ ngừng giao dịch thì rõ ràng lượng cầu thị trường sẽ bị giảm đi đáng kể và lượng cầu của đối tượng này chỉ tăng mạnh trở lại khi thị trường đón nhận nhiều thông tin tốt hỗ trợ, hay nói chính xác hơn nguồn vốn này cũng tham gia quá trình "ngủ đông" èo uột của thị trường.
Đầu tư giá trị
Đối tượng thứ ba và cũng là đối tượng quan trọng nhất mà người viết muốn đề cập tới: Các NĐT chuyên nghiệp. Họ phần lớn xuất thân từ các tầng lớp có chuyên môn về tài chính, đầu tư và hiểu rất rõ rằng bất cứ ngành nào cũng đều có quy luật: Thăng hoa -> suy thoái -> phục hồi -> và tăng trưởng trở lại.
Đặc biệt đối với lĩnh vực đầu tư CK thì các giai đoạn thăng hoa - "lình sình" là có tính quy luật phổ biến. Họ căn cứ vào các giai đoạn có tính quy luật này và thực hiện việc giải ngân, thanh hoán các khoản đầu tư sao cho có lợi nhất.
Và chúng ta có thể thấy rất rõ động thái của các NĐT chuyên nghiệp nước ngoài qua cách hành xử của các quỹ đầu tư như: Veile; Dragon Capital; Vina Capital, Phanxipang... và giai đoạn lình sình như hiện nay là điều kiện tốt để giải ngân.
Nguồn vốn của các NĐT chuyên nghiệp thông thường có kế hoạch và rất lớn. Điều này có thể lý giải thông qua chiến lược đầu tư của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp (tổ chức lớn), họ đầu tư theo thời hạn lên tới hàng năm, tham gia quá trình quản trị, định hướng chiến lược, tìm bạn hàng, đối tác, trợ giúp công nghệ quản trị... cho các DN để DN có những bước tiến vượt bậc về kinh doanh -> tạo ra giá trị gia tăng lớn và cuối cùng họ sẽ thu lợi lớn đối với những khoản đầu tư này.
Thông thường, nguồn vốn này được giải ngân theo tiến độ phát triển của đối tượng đầu tư (DN cổ phần), duy trì trong thời hạn phát triển của DN và mang tính ổn định cao. TTCK thứ cấp suy giảm không làm giảm đi nguồn vốn quý báu này, mà lại là cơ hội để đón nhận những khoản đầu tư dài hạn khác vào thị trường.
Theo đánh giá riêng của người viết, đối tượng NĐT dài hạn không quan tâm nhiều đến biến động giá cả CK hàng ngày tại VN chiếm khoảng 50-60% giá trị CK đang giao dịch hiện nay.
LĐ
|