Thứ Sáu, 27/07/2007 14:29

Nên hay không nên ngừng cấp phép thành lập CTCK

Sau khi có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của các CTCK, CTQLQ, đồng thời đưa ra đề xuất tạm ngừng cấp phép thành lập các công ty này hồi đầu tháng 6/2007, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đã nhận được các ý kiến đóng góp của đông đảo hội viên.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến trên, ngày 20/7/2007, trong Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, VASB đã đưa ra kiến nghị cần xem xét và quản lý chặt chẽ việc cấp phép thành lập các CTCK, CTQLQ. Để rộng đường dư luận, ĐTCK-online xin giới thiệu một số ý kiến trong tổng số ý kiến đóng góp cho VASB về vấn đề này.

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Theo BVSC, chúng ta không nên dùng biện pháp hành chính để hạn chế sự phát triển của thị trường, đặc biệt là đối với TTCK Việt Nam còn non trẻ. Việc cạnh tranh gay gắt giữa các CTCK, CTQLQ sẽ còn khốc liệt hơn khi một loạt thành viên mới ra đời cũng là yếu tố tích cực đối với TTCK Việt Nam, góp phần đem lại lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư khi các công ty đều trong quá trình chạy đua nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của TTCK.

Do vậy, các cơ quan quản lý nên đưa ra biện pháp để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc hiện nay, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường, thay vì đưa ra biện pháp làm kìm hãm sự phát triển của thị trường. Cụ thể như đưa ra quy định nâng cao điều kiện thành lập CTCK và CTQLQ, với yêu cầu cao về năng lực tài chính, cơ cấu tổ chức và đội ngũ nhân sự, sẽ là cơ sở đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh của các công ty.

Công ty Quản lý quỹ Hải Phòng (IFM)

Sự ra đời của các CTCK và CTQLQ trong thời điểm hiện nay là tất yếu. Song IFM hoàn toàn nhất trí với quan điểm của VASB, nên dừng ngay việc cấp phép thành lập các CTCK. Khi các điều kiện cơ bản chưa có cộng thêm sự hạn chế trong việc giám sát thì nhiều công ty thành lập mới chỉ vì mục đích lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích của nhà đầu tư. Nên tạm ngừng cấp phép thành lập CTCK một thời gian, để từ đó có thể tập trung vào một số vấn đề cơ bản nhằm nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho các CTCK, CTQLQ. Đồng thời, cũng nâng cao năng lực quản lý, giám sát của UBCKNN.

CTCK Rồng Việt (VDSC)

VDSC hoàn toàn chia sẻ với những lo ngại của VASB về chất lượng đội ngũ nhân sự, hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực quản lý giám sát TTCK... trong bối cảnh có quá nhiều hồ sơ đang xin thành lập CTCK, CTQLQ. Đề xuất tạm ngừng cấp phép thành lập này của VASB, nhìn ở  khía cạnh nào đó thì có thể là phù hợp với tình hình TTCK Việt Nam hiện nay, song ở góc độ luật pháp thì chưa phù hợp với tinh thần Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Do vậy, thay vì đề nghị tạm ngừng cấp phép thành lập, VASB nên đưa ra đề xuất tăng cường hơn nữa các điều kiện cấp phép thành lập và tăng cường đầu tư đào tạo nhân sự, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin... đối với các hoạt động giao dịch trên TTCK.

CTCK Việt Quốc (VQS)

Việc thành lập thêm các CTCK, CTQLQ tại thời điểm này là không hợp lý khi xét về mặt bằng chung so với các nước trong khu vực, số lượng các CTCK, CTQLQ tại Việt Nam đang ở mức cao so với nhu cầu.

Hơn nữa, việc chưa đáp ứng nhu cầu về nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp, nếu tiếp tục có thêm thành viên mới, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, ảnh hưởng xấu tới chất lượng hoạt động của các CTCK nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung. Ngoài ra, số lượng các CTCK và CTQLQ tính đến thời điểm này có thể coi là đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Do đó, nhu cầu đặt ra không phải là mở thêm các công ty mới mà trước mắt nên đòi hỏi các công ty đã có giấy phép hoạt động phải nỗ lực hơn nữa trong vận hành, cải tiến chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho khách hàng của mình cũng như thu hút thêm khách hàng mới, nhằm chủ động nâng cao vị thế của mình trên thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của ngành kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam.

Việc thành lập các CTCK mới là một vấn đề cần xem xét, nhưng cũng không kém phần quan trọng là việc quản lý, giám sát và tạo điều kiện phát triển đồng bộ cho các công ty đang hoạt động. Chúng ta đã có hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh chứng khoán, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là kiện toàn các văn bản luật và dưới luật sao cho phù hợp với yêu cầu, nhằm đảm bảo cùng một lúc vai trò điều tiết, giám sát của cơ quan quản lý cũng như thúc đẩy sự phát triển của CTCK nói riêng và TTCK nói chung.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư nước ngoài gặp khó? (27/07/2007)

>   ILC sẽ trả cổ tức 22,5% (27/07/2007)

>   Cổ đông VIS được mua CP đúng mệnh giá theo tỉ lệ 1:1 (27/07/2007)

>   NKD Báo cáo tài chính QII/2007 (28/07/2007)

>   DRC báo cáo tài chính QII/2007 (28/07/2007)

>   BĐS và CK vào "tầm ngắm" của 80% số DN niêm yết (27/07/2007)

>   SJS Báo cáo tài chính QII/2007 (28/07/2007)

>   Lo ngại tắc nghẽn thông tin khi khớp lệnh liên tục (27/07/2007)

>   Nhận dạng các nhóm nhà đầu tư (27/07/2007)

>   VTA báo cáo tài chính QII/2007 (28/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật