Liệu có tình trạng cổ phiếu ế, thừa, hạ giá?
Nhiều chuyên gia chứng khoán e ngại việc hàng loạt doanh nghiệp cùng niêm yết trong lúc TTCK Việt Nam đang sụt giảm như hiện nay sẽ khiến nhà đầu tư có phản ứng tiêu cực.
Ngày 25/7, TTGDCK Hà Nội thông báo đã có 9 công ty nộp hồ sơ xin đăng ký giao dịch tại sàn Hà Nội. Trước đó, cũng trong tháng 7, sàn TP. HCM đã đón 2 tổ chức niêm yết đầu tiên trong năm 2007 và đang chuẩn bị “kết nạp” 6 công ty nữa.
Hiện hai TTGDCK Hà Nội và TP. HCM đang xem xét để nhận thêm khoảng 20 doanh nghiệp niêm yết mới ngay trong quý III/2007
“Ngoại hạng” tự nguyện xuống “hạng nhất”
Theo giám đốc một CTCK, tín hiệu tốt lành và nhà đầu tư hồ hởi đón nhận Địa ốc Chợ Lớn (RCL) cùng Cao su Tây Ninh (TRC), Gỗ Thuận An (GTA) là một động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khác mau chóng được niêm yết.
So với thời chưa lên sàn thì hiện nay giá của RCL,TRC,GTA... hấp dẫn hơn nhiều dù cả HASTC-Index lẫn VN-Index đang đi xuống. Khi còn ở OTC, giá GTA ít khi vượt quá 55.000 đồng/cổ phiếu nhưng nay đã lên 60.000 đồng/cổ phiếu, tương tự với RLC từ dưới 130.000 đồng nay đứng ở mức 138.000 đồng, còn RCL chưa bao giờ đạt ngưỡng 200.000 đồng nay luôn ở trên mức 200.000 đồng.
Diễn biến này không chỉ khiến tổ chức niêm yết mà nhà đầu tư cũng “vui vẻ” trong thời buổi rất nhiều loại chứng khoán chỉ thấy giá đi xuống mà chưa thấy đi lên. Vì vậy, được lên sàn cũng là một biện pháp tăng giá khá hữu hiệu, đồng thời tính thanh khoản cũng cao và tốt hơn.
Trong số gần 20 công ty sắp lên sàn có khá nhiều doanh nghiệp là “đại gia” đúng nghĩa cả về vốn lẫn danh tiếng. Trong đó, đáng kể nhất là những doanh nghiệp dầu khí như: Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng; Bảo hiểm dầu khí (500 tỷ đồng); Dịch vụ du lịch dầu khí (255 tỷ đồng); Vận tải xăng dầu (400 tỷ đồng)...
Việc hai “đàn anh” Dịch vụ kỹ thuật dầu khí và Bảo hiểm dầu khí có đủ điều kiện niêm yết tại sàn TP. HCM nộp hồ sơ đăng ký giao dịch tại sàn Hà Nội, nhà phân tích chứng khoán Đặng Ngọc Thắng ví von: “Việc này giống như một đội ngoại hạng tự nguyện xin xuống đá hạng nhất”.
Sức ép phải lên sàn
Cùng với những “ông lớn” trên cũng có nhiều công ty có vốn điều lệ khá khiêm tốn như Thực phẩm Lâm Đồng (12 tỷ đồng), Thuỷ sản Ngô Quyền (10 tỷ đồng) xin đăng ký giao dịch tại sàn Hà Nội.
Những công ty đăng ký niêm yết tại sàn TP. HCM phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng trở lên. Sau Vitaco, Công ty Hoàng Gia với vốn 353,7 tỷ đồng hiện là doanh nghiệp có vốn lớn thứ nhì xin niêm yết đợt này.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư, điều mà họ quan tâm nhất là sẽ có bao nhiêu cổ phiếu tung ra khi những doanh nghiệp trên niêm yết. Chỉ tính riêng 8 tổ chức đã và sẽ niêm yết tại sàn TP. HCM thì có hơn 170 triệu cổ phiếu được đăng ký niêm yết, còn sàn Hà Nội ước tính có trên 100 triệu cổ phiếu được đăng ký giao dịch.
Ông Phan Vũ Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Quốc tế nói: “Cùng với những đợt phát hành thêm cổ phiếu liên tiếp vừa qua của các tổ chức đang niêm yết thì việc thị trường sắp đón nhận thêm hàng trăm triệu cổ phiếu sắp tới sẽ khiến nguồn cung rất dồi dào”.
Còn nhà đầu tư Vũ Khánh Nam (sàn SSI TP.HCM) thì cho rằng: “IPO vừa ngưng lại có thêm nguồn cung khá lớn trong một thời gian ngắn như thế này tôi e rằng, cung sẽ vượt cầu”.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng e ngại việc hàng loạt doanh nghiệp cùng niêm yết trong lúc TTCK Việt Nam đang sụt giảm như hiện nay sẽ khiến nhà đầu tư có phản ứng tiêu cực.
Bài học “cổ phiếu ế, thừa, hạ giá” của các doanh nghiệp IPO vừa qua phải chăng chưa đủ để các doanh nghiệp sắp niêm yết tham khảo? Có lẽ, “sức ép” lên sàn theo đúng lộ trình, lời hứa với cổ đông và nhất là ước muốn giá tăng đang kéo các doanh nghiệp đua nhau lên sàn.
TP
|