Thứ Năm, 12/07/2007 11:21

Lạm phát 6 tháng đầu năm: Do mua ngoại tệ!

Nguyên nhân chính gây ra áp lực lạm phát gia tăng sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ với giá trị gần bằng đúng lượng vốn chảy vào kể từ đầu năm 2007.

Hiện tượng giá cả thị trường tăng nhanh từ đầu năm đến nay đã gây nên nhiều lo ngại. Đã có nhiều ý kiến phân tích về nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 5,2% trong  6 tháng đầu năm. VietNamNet xin giới thiệu phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lạm phát, sau hai năm liên tục ở vào mức cao (9,5% năm 2004 và 8,4% năm 2005) tưởng chừng như đã có dấu hiệu suy giảm khi chỉ còn 6,6% trong năm 2006. Tuy nhiên, áp lực tăng giá lại bùng phát ngay từ đầu năm 2007. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,2%. Nếu so với tháng 6 năm 2006, thì chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,8%.

Có thể nói đây là mối quan ngại lớn về kinh tế vĩ mô hiện nay bên cạnh các dấu hiệu tích cực như tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP), xuất khẩu và đặc biệt là đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp từ nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là áp lực lạm phát mới này bắt nguồn từ yếu tố chủ đạo nào?

Nguyên nhân gây lạm phát thường được đề cập nhiều nhất là sự tăng giá năng lượng, vật liệu xây dựng và sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới, từ đó gây tác động tăng giá nội địa. Nhưng nếu lạm phát tăng chủ yếu là do cú sốc giá từ bên ngoài thì nó phải có tác động đến cả những nước khác, đặc biệt là những nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Để kiểm chứng điều này, hãy xem Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia có chịu áp lực lạm phát cao như Việt Nam trong nửa đầu năm 2007 hay không.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam và các nước trong khu vực:

 

Việt Nam

Trung Quốc 

Thái Lan 


Malaysia

Indonesia

5 tháng đầu năm 2007 

4,3%

2,9%

1,7%

2,2% 

1,8%

Năm 2006 

6,6%

 1,7%

 3,5%

3,2%

6,6%

 Năm 2005 

8,4%

  1,8%

4,5% 

3,1% 

 10,5%

Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á và số liệu chính thức từ cơ quan thống kê của các nước.

Số liệu chính thức từ cơ quan thống kê của các quốc gia này cho thấy tốc độ trượt giá của họ đều thấp hơn hẳn so với Việt Nam.

Indonesia, vốn chịu lạm phát cao ở mức trên 10% trong năm 2005 và sau đó đã kiềm chế được ở tỷ lệ tương đương với Việt Nam là 6,6% trong năm 2006, chỉ có tốc độ tăng giá tiêu dùng 1,8% trong 5 tháng đầu năm 2007. Thái Lan và Malaysia đều có tốc độ tăng giá trong 5 tháng đầu năm 2007 trên dưới 2%. Trong khi đó, con số của Việt Nam là 4,3%.

Chỉ có Trung Quốc, nơi cũng tăng trưởng nóng như Việt Nam cả trong sản xuất công nghiệp và đầu tư tài chính, là chịu áp lực lạm phát gia tăng. Nhưng tốc độ tăng giá của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm cũng chỉ ở mức 2,9%.

Vì vậy, việc Việt Nam có tốc độ tăng giá tiêu dùng cao hơn những năm trước và cao hơn hẳn các quốc gia khác trong khu vực vào nửa đầu năm 2007 phải xuất phát từ nguyên nhân đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Yếu tố đột biến nào xảy ra đối với nền kinh tế Vệt Nam trong những tháng vừa qua có thể tác động đến nền kinh tế vĩ mô nói chung và chỉ số giá nói riêng? Đó là vốn đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2007, đã có 2,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân và 5,2 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được đổ vào thị trường chứng khoán. Như vậy, đã có 7,2 tỷ USD đã chảy vào Việt Nam, chưa kể giải ngân vốn ODA và kiều hối.

Với luồng ngoài tệ lớn như vậy, trong 5 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại tệ. Điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước phải phát hàng thêm tiền đồng. Sử dụng tỷ giá làm tròn 16.000 VND/USD, có thể ước tính rằng Ngân hàng Nhà nước đã đưa thêm 112 nghìn tỷ đồng vào lưu thông trong nền kinh tế.

Đương nhiên, với chức năng điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng một số biện pháp giảm cung tiền trong đó quan trọng nhất là việc tăng cường bán chứng khoán chính phủ thông qua đấu thầu trên thị trường mở và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Vào cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 năm) của các ngân hàng thương mại và công ty tài chính từ 5% lên 10%. Quyết định này đồng nghĩa với việc khoảng 25 nghìn tỷ đồng được rút khỏi lưu thông.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, một khối lượng tiền đồng tương tự cũng được Ngân hàng Nhà nước thu vào thông qua việc đấu giá chứng khoán chính phủ trên thị trường mở.

Tổng hợp các biện pháp làm tăng và giảm cung tiền nói trên, tác động ròng là khoảng 60 nghìn tỷ đồng tiền mặt được đưa vào lưu thông trong nửa đầu năm 2007, tương đương với 6% GDP hay 18% tổng mức tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, một con số vô cùng lớn, mặc dù chưa tính tới những khoản Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay thông qua hoạt động chiết khấu và tái chiết khấu.

Tóm lại, nguyên nhân chính gây ra áp lực lạm phát gia tăng trong nền kinh tế là sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ với giá trị gần bằng đúng lượng vốn chảy vào kể từ đầu năm 2007.

Để kiềm chế áp lực này trước khả năng dòng vốn nước ngoài còn tiếp tục tăng từ nay cho tới cuối năm, việc thắt chặt cung tiền thông qua hạn chế tăng tín dụng của hệ thống ngân hàng phải được tập trung.

Đó mới là biện pháp để chủ động kiểm soát lạm phát. Tác động của việc tăng giá năng lượng và nông sản trên thế giới, dù có đúng là gây một phần tác động lạm phát, thì ta cũng ít có khả năng can thiệp.

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Sản xuất vàng SJC tại Hà Nội (12/07/2007)

>   HSBC: ngân hàng bán lẻ tốt nhất VN (12/07/2007)

>   Síp và Manta sẽ chính thức sử dụng đồng euro năm 2008 (11/07/2007)

>   Hàng không cũng muốn lập công ty tài chính (11/07/2007)

>   Thị trường thẻ: Đa dạng và tiện ích (11/07/2007)

>   “Thủ tục và thuế vẫn bức xúc” (11/07/2007)

>   Vàng ngấp nghé ngưỡng 1,3 triệu đồng/chỉ (11/07/2007)

>   Pháp-Việt: Gia hạn thoả thuận hợp tác kinh tế, tài chính (11/07/2007)

>   Ngân hàng nhỏ: Làm gì để tránh sáp nhập và mua lại? (11/07/2007)

>   Tp.HCM thừa tiền (11/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật