“Làm ăn đâu chỉ nghĩ đến mình”
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) cười chân chất: “Đầu tư phát triển, thì cũng phải nghĩ đến giới kinh doanh của cả nước. Đó mới là điều quan trọng”.
Vốn nhà nước chỉ khoảng 100 tỉ đồng, nhưng thực tế tài sản của SJC đã lên đến hàng ngàn tỉ nhờ các khoản đầu tư tài chính và giá trị nhất là thương hiệu vàng miếng SJC chiếm đến 90% thị phần giao dịch vàng miếng tại Việt Nam. Doanh số dự kiến 2007 của công ty khoảng 1 tỉ USD. Ông nghĩ gì về trách nhiệm của người dẫn đầu trong thị trường này?
Doanh nghiệp dẫn đầu luôn phải nghĩ đến vai trò làm đại diện cho giới doanh nghiệp Việt Nam để tăng cường đầu tư và phát triển, đẩy mạnh các hoạt động không chỉ cho công ty mình, lĩnh vực mình đang kinh doanh mà còn phải nghĩ đến giới kinh doanh cả nước.
Kinh doanh vàng thực chất là kinh doanh uy tín thể hiện trong chất lượng, trong cam kết với bạn hàng, trong giá cả, trong các hợp đồng giao dịch... Do vậy trong bất cứ trường hợp nào, dù giá vàng lên hay xuống, biến động bất thường chăng nữa thì SJC luôn tôn trọng cam kết.
Hoạt động chính và cũng là năng lực mạnh nhất của SJC là kinh doanh và sản xuất vàng miếng, ông đang tính toán chiến lược phát triển cho công ty như thế nào?
Nhiệm vụ sống còn của SJC là giữ vững và phát triển kinh doanh vàng miếng, kế đến là vàng trang sức. Thị trường kinh doanh vàng còn rất nhiều khoảng trống để vươn tới.
Sắp tới, công ty sẽ đa dạng về chủng loại, bên cạnh vàng SJC 1 lượng, 1kg sẽ có loại vàng 5 lượng, 10 lượng tạo thuận tiện cho giao dịch và cất trữ. Bao bì bằng nhựa trong suốt sẽ được cải tiến để hoàn thiện và sắc sảo hơn.
Vàng miếng SJC đã xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia theo đường tiểu ngạch, và công ty sẽ tiến hành các bước để xuất khẩu vàng mạnh hơn. Hiện nay với 3 chuyền sản xuất, SJC sẽ cung cấp khoảng 20.000 lượng/ngày (trên 700kg).
Các hoạt động quan trọng khác phải tiến hành là đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và dự án địa ốc. Hiện nay SJC đang sở hữu khoảng 40.000 cổ phiếu của Ngân hàng Việt Á, 70.000 cổ phiếu ở Eximbank, chuẩn bị xây dựng Tháp SJC trên 100 triệu USD...
Chịu trách nhiệm điều hành cơ ngơi hàng ngàn tỉ đồng, ông thường lo lắng điều gì?
Tôi có nhiều nỗi lo lắm. Lo bị lỗ khi giá vàng lên - xuống mỗi ngày, do giá trị giao dịch vàng hàng ngày rất lớn nên phải theo dõi thật kỹ, nếu không lỗ rất nhanh. Lo các rủi ro quanh công việc hàng ngày. Lo cấp dưới thiếu chu đáo, kinh doanh không đúng luật pháp, mà trong lĩnh vực giao dịch vàng thì điều này rất dễ xảy ra.
Gần đây nhất tôi lo lắng chuyện an ninh ở các xưởng sản xuất, an ninh giao nhận... Cứ nghĩ đến khối lượng hơn 30 tấn vàng một năm, bạn sẽ hiểu nỗi lo tăng lớn thế nào so với một tiệm vàng nhỏ.
Ông nghĩ gì về cơ hội làm giàu cho cá nhân trong giai đoạn thị trường tài chính - chứng khoán đang phát triển này?
Nguyên tắc sống mà tôi kiên trì đeo đuổi là làm việc phải có trách nhiệm, sống phải có trước có sau. Ước muốn của tôi là có cuộc sống thanh thản, gia đình no đủ, con cái học hành đàng hoàng.
Mấy chục năm đi làm, được cấp trên phân công, đặt để ở vị trí lãnh đạo, tôi không phải chịu thiếu thốn. Tôi luôn tâm niệm, trong xã hội, người giàu hơn mình thì ít, mà người nghèo hơn mình thì nhiều, nên tôi không có ý nghĩ quay quắt tìm kẽ hở thu vén cho mình.
Có một ranh giới giữa người làm doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cá thể luôn nhớ: tiền trong công ty là tiền của nhà nước chứ không phải tiền của cá nhân, nên đừng lợi dụng chức quyền làm lợi cá nhân.
SGTT
|