Thứ Năm, 19/07/2007 10:05

Giá thép xây dựng tăng do đâu?

Giá thép xây dựng hiện tăng gần 2 triệu đồng/tấn so với 2006 và Chính phủ phải điều chỉnh đầu tư gần 1.800 tỷ đồng đối với các công trình xây dựng cơ bản.

Hiệp hội Thép lý giải, giá thép tăng do giá phôi tăng nhưng Bộ Tài chính cho rằng cần phải xem xét các yếu tố khác.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu như giá bán thép xây dựng trung bình của 2006 chỉ "quanh quẩn" 8 triệu đồng/tấn thì tại thời điểm đầu tháng 7/2007, đã tăng hơn 10 triệu đồng/tấn.

Theo công bố của các doanh nghiệp với Hiệp hội Thép, tại các đại lý cấp 1 ở miền Bắc, giá thép cây của Vinausteel: 10.286.000 đồng/tấn; Hoà Phát: 9.952.000 đồng/tấn; thép cây D10 của Thái Nguyên: 9.945.000 đồng/tấn; Vinakansai: 10.130.000 đồng/tấn. Còn tại miền Nam, giá bán thép cây D10 của Vinakyoei: 9.870.000 đồng/tấn, Thép Việt: 9.857.000 đồng/tấn và thép miền Nam là 9.850.000 đồng/tấn.

Nhìn chung, so với 2006, giá thép xây dựng của những tháng đầu 2007 cao hơn khoảng 2 triệu đồng/tấn.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam lý giải: "Nếu như giá phôi thép nhập khẩu trung bình của 2006 là 389 USD/tấn thì trong tháng 6/2007, giá phôi đã lên tới 513 USD/tấn, chênh lệnh mỗi tấn 124 USD, tương đương với 1.998.000 đồng. Nếu không tăng giá, doanh nghiệp không thể chịu lỗ mãi được!".

Ông Cường nhẩm tính giá thành sản xuất từ một tấn phôi như sau: giá phôi 513 USD/tấn, cộng với 5% thuế nhập khẩu (25,65 USD), 10 USD lưu kho và vận chuyển từ cảng về nhà máy, 50 USD gia công tại nhà máy và 5% VAT (trên giá bán) thì tổng giá thành lên tới 628,58 USD, tương đương 10.132. 709 đồng/tấn, chưa tính lãi vay ngân hàng, chiết khấu thương mại...

Ông Cường cho biết thêm, với giá phôi đắt như hiện nay, cán thép chỉ lãi rất thấp. Nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất phôi, mặc dù có nhà máy cán nhưng "không cần cán" mà sản xuất ra mẻ nào, bán ngay mẻ đó với phương thức thanh toán "tiền tươi". Những doanh nghiệp chuyên cán thép phải xếp hàng như chờ "bốc thuốc" tại các nhà máy phôi này với giá hiện lên tới 9.500.000 đồng/tấn.

"Dù vậy, mua các doanh nghiệp trong nước còn rẻ chán so với mua phôi nhập khẩu do không phải cõng thêm hàng loạt chi phí vận tải, bảo hiểm, vận chuyển và thuế", ông Cường "chốt" lại.

Tuy nhiên, với Bộ Tài chính thì việc giá thép xây dựng tăng đã khiến cho Bộ này không thể làm ngơ. Ngày 12/7/2007, Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 9258/BTC - QLG tới Hiệp hội Thép với nội dung như sau:

 "Để có cơ sở điều hành giá thép nhằm bình ổn thị trường trong 2007, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị (doanh nghiệp ngành thép - PV) báo cáo tình hình sản xuất và kinh doanh thép xây dựng; đồng thời nêu rõ các biện pháp tiết giảm chi phí đã thực hiện, kiến nghị các giải pháp bình ổn thị trường trong thời gian tới".

Cụ thể, Hiệp hội Thép phải cung cấp số liệu kết quả sản xuất kinh doanh 2006 và 6 tháng đầu 2007 cũng như kế hoạch của 2007; chi phí sản xuất phôi thép và chi phí sản xuất thép xây dựng (từ nguồn phôi nhập khẩu và phôi tự sản xuất trong thời gian qua; giá bán thép xây dựng; các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất và phân tích tỷ trọng hợp lý các chi phí trong kết cấu giá thành thép.

Ngày 18/7/2007, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: "Từ đầu 2007 đến nay, Chính phủ đã phải điều chỉnh đầu tư tới 1.800 tỷ đồng trong các công trình xây dựng cơ bản do giá thép xây dựng tăng".

Ông Thoả cũng nghi ngờ rằng, phôi tăng giá là một chuyện nhưng cũng không loại trừ một số doanh nghiệp đã nhân cơ hội này "té nước theo mưa". Vì thế, trong văn bản nói trên, Bộ Tài chính đã liệt kê hàng loạt khoản mục chi phí yêu cầu các doanh nghiệp ngành thép phải cung cấp như: chi phí nguyên nhiên vật liệu (phôi, thép phế, than điện cực, dầu FO, điện), chi phí tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, khấu hao tài sản cố định, chi phí sản xuất chung, giá thành sản xuất, chi phí tiêu thụ và giá bán.

Ông Thoả nói: "Nếu quả thực giá thép tăng do giá phôi tăng thì đó là "lời thanh minh" cho ngành thép. Chính phủ và người tiêu dùng phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhưng nếu có sự lợi dụng để tăng giá, Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng...".

Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Cường, giá thép tăng hiện nay là điều tất yếu và Bộ Tài chính có đi kiểm tra cũng không thể khác những gì mà thực tế đang diễn ra. Ngoài ra, ông Cường cho rằng, để thoát khỏi tình trạng này, ngành thép cần đẩy mạnh các dự án phôi công suất lớn, nhằm giảm thiểu phụ thuộc nguồn phôi nhập khẩu.

Bởi lẽ, hiện tại, thị trường thép vẫn phải nhập khẩu tới 70% phôi từ các nước, nhất là Trung Quốc. Và mỗi khi chính sách tại các nước này thay đổi thì lập tức ngành thép trong nước lại lao đao...

VNE

Các tin tức khác

>   Sản xuất xi măng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập (19/07/2007)

>   Tháng bán hàng khuyến mại năm 2007 (19/07/2007)

>   VNPT bồi thường vụ máy tính biến thành sỏi đá (19/07/2007)

>   Buôn Mê Thuột sẽ trở thành "Thiên đường cà phê": Biến ý tưởng thành hiện thực (19/07/2007)

>   Tập đoàn Hồng Hải đầu tư 1 tỉ USD vào TP.HCM (19/07/2007)

>   Honda xây nhà máy thứ hai tại VN (19/07/2007)

>   Xuất khẩu dệt may vào Mỹ tăng chậm (19/07/2007)

>   Thuê bao di động trả sau hết lo chuyện hộ khẩu (18/07/2007)

>   Nan hoa xe đạp chịu thuế chống bán phá giá tại Argentina (18/07/2007)

>   Đà Nẵng: Thu hồi đất nhiều dự án tại KCN Hòa Khánh (18/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật