Thứ Năm, 05/07/2007 13:42

Kinh tế châu Á 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính

Nhân mười năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á, tạp chí "Nhà kinh tế" (Anh) ngày 30/6 đã có bài phân tích về sự phát triển bùng nổ của khu vực này, với nội dung như sau:

Ngày 2/7/1997 bắt đầu chính thức nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á. Vào ngày đó, Thái Lan bị cạn kiệt ngoại tệ, đã cố gắng bảo vệ đồng tiền của mình trước cuộc tấn công đầu cơ lớn và buộc phải thả nổi đồng baht, vốn đã mất giá nhanh chóng. Tình trạng khủng hoảng lan nhanh khi các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các nước có hiện tượng kinh tế tương tự như Thái Lan - đặc biệt là Inđônêxia, Malaixia và Hàn Quốc. Philíppin, Xingapo, Đặc khu Hành chính Hồng Công và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng bị ảnh hưởng trước dòng xoáy này. Trước đây chưa bao giờ thế giới chứng kiến một sự rút vốn quy mô lớn và tốc độ nhanh như vậy, khiến các thị trường tài chính và kinh tế sụp đổ. Mười năm sau, nhiều người tin rằng các nền kinh tế này đã phục hồi đầy đủ, nhưng một số người cho rằng Đông Á có thể đang dẫn tới một cú sốc tài chính khác.

Cuộc khủng hoảng năm 1997-98 khác so với những rắc rối trước đó. Không giống như Mỹ Latinh, nơi hầu hết các cuộc khủng hoảng tại các thị trường đang nổi lên thường xảy ra, khu vực Đông Á tự hào về tỷ lệ lạm phát thấp, ngân sách cân bằng, và thành tích đáng kể về mức tăng trưởng trung bình gần 8% trong hơn ba thập niên. Điều này tạo nên cú sốc nghiêm trọng và không thể lường trước. Tuy nhiên, khi nhìn lại, những sai lầm của châu Á đã lộ rõ: Sự kết hợp giữa những hệ thống tài chính yếu kém, sự mở cửa kinh tế vội vàng cho vốn nước ngoài, và chính sách hối đoái giữa đồng tiền địa phương với đồng USD. Hy vọng những đồng tiền này tiếp tục ấn định tỷ giá hối đoái đế khuyến khích các ngân hàng và các công ty địa phương vay mượn bằng tiền USD với tỷ lệ lãi suất thấp hơn ở trong nước. Khi tiền vốn tràn ngập, các khoản tiền vay tăng lên, kéo theo giá trị tài sản và cổ phiếu. Phần lớn khoản tiền rẻ này bị lãng phí, trong khi các văn phòng và căn hộ sang trọng mọc lên khắp khu vực. Do đồng USD tăng giá trong khoảng thời gian 1995-1997 so với các đồng tiền khu vực Đông Á, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai trong khu vực càng lớn. Năm 1996, thâm hụt của Thái Lan lên tới 8% GDP. Một khi các nhà đầu tư nhận thấy đây là dấu hiệu về tình hình bất ổn, họ ngay lập tức rút vốn và khiến dự trữ ngoại tệ của Thái Lan cạn kiệt. Khi đồng tiền của Thái Lan và các đồng tiền khác trong khu vực bị phá giá, cuộc khủng hoảng trở nên nguy cấp hơn phạm vi khủng hoảng tiền tệ. Sự mất giá của các đồng tiền khu vực đã làm tăng tiền nợ bằng ngoại tệ, dẫn tới các vụ phá sản hàng loạt. Các khu vực xây dựng bị đình lại, trong khi lĩnh vực bất động sản bị "nổ bong bóng" và nợ "xấu" của ngân hàng tăng mạnh.

Một số nhà kinh tế dự đoán phải mất một thập niên, giống như cuộc khủng hoảng về nợ tại Mỹ Latinh trong những năm 1980, các nước châu Á mới có thể hồi phục. Song phần lớn những dự đoán cho rằng mức tăng trưởng sản xuất tại Đông Á hẳn đã cao hơn nhiều so với các nền kinh tế đang nổi lên, hoặc các nền kinh tế phát triển khác. Thực ra, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực vẫn còn che đậy những khoản đầu tư lãng phí, qui chế ngân hàng không đầy đủ và tình trạng tham nhũng, nhưng những yếu tố chính của phát triển -tỷ lệ tiết kiệm cao đối với đầu tư tài chính và các thị trường mở- vẫn được bảo đảm. Đây là một trong những lý do để giải thích tại sao hầu hết các nền kinh tế tại Đông Á đã phục hồi nhanh hơn dự đoán của nhiều người. Thu nhập bình quân tính theo đầu người tại Hàn Quốc và Malaixia năm 2000 đã trở lại mức như trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997; tại Thái Lan đến năm 2003 và Inđônêxia đến năm 2004 lấy lại được mức đó.

Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997, các thị trường tài chính châu Á đang bùng nổ trở lại và một lần nữa khu vực này lại trở thành nơi mà thế giới thèm muốn. Một châu Á đang nổi lên đã đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm 8% trong ba năm qua - nhanh như trước cuộc khủng hoảng tài chính. Do đó, châu Á có vẻ đã phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng. Một số nhà bình luận kinh tế tin rằng nhờ tất cả những cơ cấu và cải cách, những nạn nhân của cuộc khủng hoảng hiện trở nên năng động và kiên cường hơn. Tuy nhiên, những người khác lo ngại một cuộc khủng hoảng khác đang hình thành. Đánh giá của ai sẽ đúng?

Những người ủng hộ quan điểm châu Á có đã phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng có thể là quá lạc quan. Mức tăng trưởng trung bình 8% của khu vực, bao gồm cả của Trung Quốc và Ấn Độ, là những nước phát triển nhanh nhất và đã trở thành những nền kinh tế lớn hơn cách đây 10 năm. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tại năm nền kinh tế Đông Á bị ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm từ năm 2000 vẫn còn thấp, ở mức chỉ hơn 5%, thấp hơn 2,5 % so với mức trung bình của năm 1990-1996. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là đầu tư chưa phục hồi. Đầu tư tại các nền kinh tế này trong năm 2006 chỉ chiếm 24% GDP so với 35% năm 1995, trong khi tỷ lệ đầu tư tại Trung Quốc hơn 40%.

Cơ sở hạ tầng công cộng, đặc biệt tại Thái Lan và Inđônêxia tồi tệ hơn so với 10 năm trước đây và chi phí cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng trước sự bất ổn định về kinh tế và chính trị. ADB cho rằng chính phủ các nước đáng lẽ có thể hành động nhiều hơn để thay đổi tình trạng này: Từ việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và cơ sở hạ tầng đến chống tham nhũng và cải thiện môi trường cơ chế.

Một số nghiên cứu cho rằng chất lượng điều hành là quan trọng đối với phát triển và đầu tư. Nhưng thật đáng buồn, một số lĩnh vực của châu Á, sự điều hành đã trở nên tồi tệ.

Tuy nhiên, về mặt trong, những người lạc quan đã đúng như nói rằng châu Á đã trở nên mạnh hơn và kiên cường hơn. Khu vực này ít tổn thương hơn trước cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán so với 10 năm trước đây. Hiện nay, tất cả các nước trong khu vực đã có số dư trong tài khoản vãng lai và nợ nước ngoài ít hơn nhiều. Họ cũng có những nguồn dự trữ ngoại tệ lớn để bảo vệ mình trước bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai của những kẻ đầu cơ...

TTXVN

Các tin tức khác

>   Trao đổi thương mại giữa Trung Mỹ và các nước châu Mỹ gia tăng (05/07/2007)

>   Vênêxuêla và Iran tăng cường hợp tác (05/07/2007)

>   Trung Quốc là địa điểm đầu tư số 1 thế giới (05/07/2007)

>   Hồng Kông trở thành thị trường IPO lớn thứ 2 thế giới (05/07/2007)

>   Tin vắn thị trường thế giới (05/07/2007)

>   Yahoo có “ngại” Google? (05/07/2007)

>   Tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc có thể lên tới 350 triệu tấn trong năm 2007 (05/07/2007)

>   IATA: Ngành hàng không quốc tế tăng trưởng ổn định (05/07/2007)

>   Lợi nhuận ngành dệt may Trung Quốc tăng nhờ đầu tư (05/07/2007)

>   Xuất khẩu tăng mạnh giúp kinh tế Hàn Quốc phục hồi (05/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật