Thứ Ba, 24/07/2007 11:39

'Không nên ép tiến độ cổ phần hóa'

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nên tạo động lực cổ phần hóa từ chính các doanh nghiệp, thay vì phải thúc ép họ.

- Có ý kiến cho rằng, việc “cung thêm hàng” từ những doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay có thể khiến Nhà nước thất thu một lượng vốn thặng dư rất lớn trong quá trình đấu giá cổ phiếu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo lộ trình cổ phần hóa các tập đoàn, và tổng công ty lớn của Nhà nước giai đoạn 2007-2010, năm 2007 sẽ cổ phần hóa 20 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn gấp khoảng 100 lần những doanh nghiệp đã được cổ phần hóa trước kia.

Theo quan điểm của tôi, có 2 khía cạnh cần xét. Thứ nhất, việc triển khai cổ phần hóa hiện nay phải thực hiện theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP mới được ban hành vào 26/6/2007. Do đó, chúng ta cần có thời gian và sự chuẩn bị trước khi triển khai cổ phần hóa theo Nghị định này.

Vì thế, việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2007 như lộ trình ban đầu có thể không đạt được vì thời điểm từ nay đến cuối năm chính là thời gian chuẩn bị để triển khai Nghị định.

Thứ hai, doanh nghiệp cổ phần hóa không nhất thiết phải phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán, dù những doanh nghiệp lớn đều phải trải qua cuộc đấu giá. Doanh nghiệp có thể cổ phần hóa bằng việc bán cho cổ đông chiến lược, hoặc những người đã được lựa chọn trước.

Cổ phần hóa cũng là một hình thức bán tài sản, trong đó có nhằm tới một mục tiêu là thu hút được vốn. Vì vậy, với những nhà quản lý biết tính toán thì khi giá bán thấp hơn mức kỳ vọng, điều đương nhiên là không nên bán. Ngược lại, nếu cổ phần hóa giúp doanh nghiệp đạt được nhiều mục tiêu lớn hơn thì chúng ta có thể tiến hành cổ phần hóa tới 40-50 doanh nghiệp chứ không dừng lại ở con số 20.

- Nhưng nếu không “ép”, liệu có đảm bảo chất lượng cũng như tiến trình cổ phần hóa?

- Vấn đề đặt ra ở đây là ép cổ phần hóa để làm gì? Nếu ép cổ phần hóa nhưng doanh nghiệp không đạt được mục tiêu, tài sản của Nhà nước bị bán rẻ thì theo tôi không nên ép, nhất là về mặt dư luận.

Nếu có, chỉ có thể ép các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kèm theo đó là một số cơ chế như buộc người quản lý bãi nhiệm nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Nếu làm được như vậy, người quản lý sẽ phải tự tìm kiếm phương thức sản xuất kinh doanh hiệu quả mà một trong số đó là cổ phần hóa.

Cách để ép ở đây là mở thị trường ra, như thị trường lao động, trong đó có đối tượng nhà quản lý để tìm kiếm nhà quản lý có năng lực, thắt chặt và củng cố cơ cấu quản trị của công ty, buộc hình thành một cơ chế giám sát, buộc người quản lý phải nâng cao hiệu quả.

- Ông nghĩ sao về sự “bắt tay” giữa các doanh nghiệp Nhà nước trong việc cổ phần hóa?

- Trong thời gian qua, chúng ta thấy có những liên minh chéo nhau giữa các doanh nghiệp Nhà nước, ví dụ như giữa các ngân hàng và các tổng công ty, tập đoàn.

Nhìn rộng hơn, mô hình xâu chéo giữa các doanh nghiệp, lấy ngân hàng làm trung tâm quản trị đã được áp dụng thành công ở Nhật Bản. Nhưng điểm khác ở Nhật Bản là các tập đoàn, các ngân hàng của họ đều là sở hữu tư nhân, quản trị chuyên nghiệp, có đầy đủ kinh nghiệm, gắn với văn hóa công ty.

Việt Nam lại khác, ngân hàng quốc doanh thuộc sở hữu Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty cũng sở hữu Nhà nước. Sự sở hữu chéo lẫn nhau giữa các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước ắt sẽ nảy sinh vấn đề trong quản trị. Vấn đề ở đây là họ sở hữu lẫn nhau nhưng không giám sát lẫn nhau mà là câu kết lẫn nhau để có thể thâu tóm quyền sử dụng tài sản Nhà nước. Việc này khiến sự giám sát ở bên ngoài sẽ kém đi.

Bên cạnh đó, sự thâu tóm quyền sử dụng tài sản Nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lạm dụng sở hữu chéo để giao dịch tư lợi, phục vụ cho lợi ích của một số ít người thay vì phục vụ cho lợi ích quốc gia. Đây là điều cần cảnh báo.

TP

Các tin tức khác

>   Bảo Việt vẫn không bán hết cổ phần (24/07/2007)

>   Chính sách - chủ trương mới (24/07/2007)

>   Đã đến thời điểm kích cầu? (24/07/2007)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Dệt may Thành Công (23/07/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của CTCP Lương thực và Công nghiệp thực phẩm (23/07/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Nhà máy nước Bảo Lộc (lần 2) (23/07/2007)

>   Cổ phiếu ngân hàng lại nguội lạnh (23/07/2007)

>   Tổng Cty Thương mại Sài Gòn (Satra): Thực hiện nhanh các dự án liên doanh (23/07/2007)

>   LenViet họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2007 (23/07/2007)

>   Đổi mới doanh nghiệp xây dựng lại vướng rào cản (21/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật