Thứ Tư, 25/07/2007 11:52

Hai điều bất hợp lý trong dự thảo luật thuế

Trừ một vài trường hợp đặc biệt, nhìn chung mục tiêu chính của thuế là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Một sắc thuế được xem là tốt khi đảm bảo được các nguyên tắc: đơn giản, hiệu quả, công bằng, trung lập, không tạo ra các hành vi tác động xấu đến hoạt động kinh tế.

Căn cứ vào những điểm trên, dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân đang được đưa ra lấy ý kiến dường như đã có nhiều tiến bộ so với những dự thảo trước đây. Tuy nhiên, còn một số điều khoản có thể sẽ tạo ra những thiên lệch không cần thiết.

Bài viết này chỉ phân tích hai trong số các điểm nên được xem xét: việc không đưa tiền lãi gửi tiết kiệm và bảo tức bảo hiểm nhân thọ vào diện chịu thuế; việc phân biệt thuế suất của các khoản thu nhập từ đầu tư vốn (cổ tức hay những thứ tương tự) và thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (lợi vốn).

Miễn thuế lãi gửi tiết kiệm và bảo tức, hệ thống tài chính sẽ kém phát triển.

Có lẽ do phản ứng mạnh mẽ của dư luận, dự thảo lần này đã không đánh thuế các khoản lãi tiền gửi tiết kiệm, trong khi các khoản thu nhập từ đầu tư vốn như: lãi cho vay, lãi trái phiếu... lại là thu nhập chịu thuế.

Quy định như vậy sẽ gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện và bóp méo các hoạt động kinh tế.

Các tổ chức tài chính thường sử dụng rất nhiều cách thức để huy động vốn, tiết kiệm chỉ là một loại hình. Nếu không đưa lãi tiền gửi tiết kiệm vào diện chịu thuế (hay có thuế suất thấp hơn các loại hình khác) sẽ nảy sinh ít nhất ba vấn đề.

Thứ nhất, việc định nghĩa và xác định như thế nào là tiền gửi tiết kiệm không phải là điều dễ dàng. Thứ hai, các tổ chức tài chính sẽ không tích cực đa dạng hóa các hình thức huy động vốn mà chỉ tập trung vào tiền gửi tiết kiệm. Thứ ba, sẽ bất lợi cho các tổ chức tài chính không được phép huy động tiền gửi tiết kiệm mà chỉ được phát hành các loại chứng khoán nợ.

Một qui định khác là loại trừ bảo tức bảo hiểm nhân thọ khỏi diện chịu thuế. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, các công ty bảo hiểm được xếp vào nhóm hoạt động tài chính, do có rất nhiều hình thức đầu tư kết hợp giữa bảo hiểm và chứng khoán. Ví dụ công ty bảo hiểm đưa ra sản phẩm bảo hiểm nhưng bảo tức lại phụ thuộc vào kết quả kinh doanh chứng khoán. 

Điều này sẽ làm cho các công ty bảo hiểm có lợi thế hơn so với các loại hình mà Việt Nam đang cần khuyến khích: các quỹ đầu tư, các quỹ lương hưu… vì đây cũng là những thành phần xây dựng nền tảng vững chắc cho hệ thống tài chính.

Như vậy, sự thiên lệch về thuế (đối với tiền lãi gửi tiết kiệm và bảo tức bảo hiểm nhân thọ) sẽ gây khó khăn cho mục tiêu phát triển một hệ thống tài chính mạnh, đa dạng và cân đối các loại hình tổ chức và các công cụ tài chính.

Ngoài ra, cũng phải xét đến sự phân biệt đối xử giữa các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp. Gửi tiền vào các tổ chức tài chính, lãi không chịu thuế. Gửi tiền trực tiếp vào doanh nghiệp (mua trái phiếu doanh nghiệp), lãi phải chịu thuế. Thị trường trái phiếu công ty sẽ khó phát triển và điều này cũng đi ngược lại với mục tiêu đã được đặt ra.

Giải pháp hợp lý là nên áp dụng chung một thuế suất lên các khoản lãi tiền gửi tiết kiệm, bảo tức của bảo hiểm nhân thọ, và lãi từ các loại hình huy động nợ khác.

Thuế lợi vốn cao hơn thuế cổ tức, không khuyến khích tái đầu tư

Việc quy định thuế suất của cổ tức là 5% trong khi thuế suất của các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn lên đến 25% là chưa hợp lý và cũng tạo ra sự bóp méo.

Khi doanh nghiệp có lợi nhuận, sẽ có hai lựa chọn, hoặc là chia cổ tức, hoặc là giữ lại khoản lợi nhuận để tái đầu tư. Nếu chia cổ tức, các cổ đông phải đóng 5% thuế thu nhập. Nếu giữ lại không chia, về nguyên tắc, giá cổ phiếu sẽ tăng lên một lượng tương ứng với lợi nhuận giữ lại. Lúc này, nếu cổ đông nào có nhu cầu chi tiêu sẽ bán bớt một phần cổ phiếu, và số lợi vốn phải đóng 25% thuế thu nhập.

Như vậy, một khoản thu có cùng nguồn gốc, nếu đến với cổ đông bằng hai con đường khác nhau, lại chịu hai thuế suất khác nhau.

Lựa chọn của doanh nghiệp sẽ là chia cổ tức, nếu không nhà đầu tư sẽ “bỏ phiếu bằng chân” theo cách bán cổ phiếu của doanh nghiệp đó để tìm đến những doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức.

Điều này vô tình khuyến khích việc chi tiêu, hơn là tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nước Mỹ đã gặp rất nhiều rắc rối khi quy định hai thuế suất khác nhau nên gần đây họ đã phải tích hợp lại để tránh những bóp méo không đáng có xảy ra.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc loại trừ hay áp dụng những thuế suất khác nhau lên những khoản thu nhập có cùng bản chất sẽ tạo ra những bóp méo hành vi không đáng có.

VNN

Các tin tức khác

>   INDOVINABANK tăng vốn điều lệ (25/07/2007)

>   6 tháng đầu năm 2007: Maritime Bank đạt lợi nhuận bằng cả năm 2006 (25/07/2007)

>   Diebold cung cấp 1.000 máy ATM cho VP Bank (25/07/2007)

>   Hàn Quốc hỗ trợ VN 326 triệu USD giai đoạn 2007-2009 (25/07/2007)

>   Gánh nặng lãi xuất USD (24/07/2007)

>   Giá vàng thế giới tăng kỷ lục (24/07/2007)

>   Có thể điều chỉnh thuế nhập khẩu thép (24/07/2007)

>   Thêm một tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng (24/07/2007)

>   Eximbank ký thỏa ước với IFC Group (23/07/2007)

>   Lãi suất cho vay tăng: Khách hàng sợ, ngân hàng lo (23/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật