Đức xem xét kế hoạch mở cửa thị trường lao động cho các nước Đông Âu
Ngày 24/7, ông Gerd Andres, một quan chức cấp cao của Bộ Lao động Đức cho biết chính phủ nuớc này đang cân nhắc việc nới lỏng và bãi bỏ những hạn chế về việc làm đối với lao động đến từ các nước Đông Âu, hiện là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân công trong những ngành nghề quan trọng.
Theo ông Andres, Đức thiếu lao động trong cả những lĩnh vực cần nhân lực có chất lượng cao như cơ khí kỹ thuật, cũng như trong các ngành trả tiền công thấp, và kế hoạch nói trên có thể được triển khai trước năm 2009.
Năm 2004, Đức đã áp dụng các biện pháp hạn chế trong 2 năm đối với các công dân đến từ các nước thành viên mới của EU vì lo ngại làn sóng lao động nhập cư sẽ lấy mất việc làm trong nước và làm tăng sức ép phải cắt giảm lương. Năm ngoái, nước này đã gia hạn các biện pháp hạn chế nói trên thêm 3 năm bất chấp sự chỉ trích của các doanh nghiệp Đức.
Các nhóm giới chủ ở Đức ngay lập tức hoan nghênh động thái nói trên, coi đó như là lời giải đáp thiết thực cho vấn đề thiếu lao động hiện nay. Người đứng đầu Hiệp hội giới chủ Đức Dieter Hundt nói rằng bước đầu tiên là mở thị trường cho các sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học -những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn và các doanh nghiệp Đức đang cần.
Giới phân tích lo ngại khả năng không tìm đủ lao động lành nghề, tình trạng dân số đang già đi và tỷ lệ sinh thấp ở Đức có thể sẽ tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế của đất nước trong dài hạn.
Đức đã thoát khỏi những khó khăn về kinh tế từ đầu năm 2006 và hiện đang cần nhiều nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 6/07 đã giảm xuống còn 8,8%, mức được coi là thấp nhất trong 14 năm qua, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh thúc đẩy nhu cầu tuyển lao động.
Theo AFP
|