Thứ Hai, 09/07/2007 17:16

Đay Sài Gòn: Suy sụp vì... “đấu đá”

Từ một doanh nghiệp ăn nên, làm ra với doanh thu hàng năm đạt hơn 80 tỷ đồng, Công ty cổ phần Sản xuất, Dịch vụ, Thương mại đay Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Đay Sài Gòn) hiện lâm vào tình cảnh hết sức bi đát: hoạt động sản xuất cầm chừng, kinh doanh đình đốn, doanh thu giảm sút trầm trọng, khách hàng lần lượt ra đi... Vậy vì đâu nên nỗi?

Tranh giành quyền lực

Công ty Đay Sài Gòn là doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103000699 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp, đăng ký lần đầu ngày 19/11/2001 và đăng ký thay đổi lần thứ hai vào ngày 6/4/2005, với vốn điều lệ 16 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh đa ngành nghề trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và thương mại. Ông Trần Hải Âu là người đại diện theo pháp luật với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty. Các cổ đông sáng lập còn lại gồm ông Nguyễn Văn Khảm, Trương Kế Châu và một số cổ đông khác.

Ngày 15/5/2006, Công ty Đay Sài Gòn đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bãi miễn HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ I, đồng thời bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ II (2006 - 2011). Một ngày sau, HĐQT mới đã tiến hành bầu ông Nguyễn Văn Khảm vào chức Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật mới của Công ty.

Nhưng sau đó, ông Trần Hải Âu, đại diện cho quyền lợi của một số cổ đông còn lại, không đồng ý với kết quả của Đại hội cổ đông bất thường này, với lý do là “Đại hội được tiến hành không đúng trình tự đã ghi trong chương trình và quy chế tổ chức đại hội, vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp”. Do vậy, ông Âu đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM yêu cầu Tòa án hủy bỏ các quyết định của Đại hội cổ đông bất thường nêu trên. Trong khi đó, ông Khảm cũng tiến hành khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Âu và Ban lãnh đạo cũ phải bàn giao ngay công việc, tài liệu, sổ sách, cơ sở vật chất và con dấu của Công ty Đay Sài Gòn cho HĐQT mới, để Công ty nhanh chóng ổn định và đi vào sản xuất, kinh doanh.

Càng xử, càng rối

Ngày 21/6/2006, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (số 29/2006/QĐ-BPKCTT) buộc ông Âu phải giao ngay con dấu của Công ty cho cơ quan thi hành án quản lý. Việc đóng dấu các văn bản, giấy tờ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty phải có chữ ký của người có thẩm quyền, theo quy định của Công ty mà ông Âu đã ký ban hành, và phải có sự đồng ý của ông Khảm hoặc người được ông Khảm ủy quyền bằng văn bản.

Tại Bản án sơ thẩm số 511/2006/KDTMST ngày 12/10/2006, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã bác đơn yêu cầu của ông Âu, công nhận Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/5/2006 của Công ty Đay Sài Gòn và tiếp tục duy trì Quyết định số 29 nêu ở trên. Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm số 33/2007/KDTM-PT ngày 11 - 12/4/2007, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM đã quyết định hủy bỏ toàn bộ Bản án sơ thẩm số 511/2006/KDTMST, giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện về Tòa án Nhân dân TP.HCM giải quyết lại vụ án.

Thẩm phán Phạn Hùng Việt, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nói trên, nhận định: “Yêu cầu của các bên đương sự về hủy bỏ toàn bộ lệnh kê biên khẩn cấp tạm thời số 29 của Tòa án Nhân dân TP.HCM là hợp tình, hợp lý. Con dấu của Công ty Đay Sài Gòn phải được trả về Công ty theo tình trạng ban đầu để Công ty tiếp tục hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật của Nhà nước”.

Thế nhưng, ngày 26/6/2007, Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP.HCM Bùi Ngọc Anh lại ký Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mới (số 37/2007/QĐ-BPKCTT), với nội dung: “Tạm giao con dấu của Công ty Đay Sài Gòn cho ông Nguyễn Văn Khảm, là người được Đại hội cổ đông bất thường ngày 15/5/2006 bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, quản lý và sử dụng”.

Mọi việc càng trở nên rối rắm, bởi ông Âu không thể chấp nhận Quyết định số 37 của Tòa án Nhân dân TP.HCM và cho rằng, việc này hoàn toàn trái pháp luật, chống lại Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Đay Sài Gòn. Vì vậy, ngày 27/6/2007, ông Âu tiếp tục gửi đơn khiếu nại khẩn cấp đến Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, yêu cầu hủy bỏ quyết định đó.

Doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản

Theo ông Trương Kế Châu, Phó tổng giám đốc Công ty Đay Sài Gòn, hơn một năm nay kể từ khi xảy ra tranh chấp nội bộ giữa các thành viên HĐQT, Công ty hầu như chỉ hoạt động cầm chừng. Sản xuất đay là lĩnh vực chính của Công ty, nhưng chỉ một nhà máy ở Bình Dương hoạt động, cốt để “nuôi” khoảng 300 công nhân ở nhà máy này. Trong lĩnh vực kinh doanh văn phòng cho thuê, Công ty Canon đã chấm dứt hợp đồng từ tháng 3/2007, một số khách hàng khác cũng thông báo sẽ ra đi trong tháng 10/2007... Ngân hàng ANZ (khách hàng đang thuê mặt bằng tại trụ sở Công ty Đay Sài Gòn) cho biết cũng sẽ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại vì công việc của ngân hàng bị ngưng trệ do không nhận được mặt bằng, mặc dù ANZ đã ký hợp đồng thuê mặt bằng (lầu 1) của Công ty Đay Sài Gòn (với giá thuê khoảng 10.000 USD/tháng) từ giữa tháng 3/2007. “Việc làm ăn giữa Công ty và đối tác này đang trong cảnh bế tắc, bởi kiện xong rồi họ cũng sẽ ra đi”, ông Châu nói.

Về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hiện còn nhiều lô nhà, đất đã xây dựng xong nhưng không bán được, trong khi nhiều lô chưa thể khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, doanh thu của Công ty Đay Sài Gòn đang ngày càng giảm sút trầm trọng. Nếu như năm 2005, doanh thu của Công ty đạt 80 tỷ đồng thì trong năm 2006, con số này giảm còn 42 tỷ đồng và trong 5 tháng đầu năm 2007 mới chỉ thu được chưa đến 14 tỷ đồng... Hơn nữa, trước tình cảnh này, Công ty không thể tổ chức Đại hội cổ đông, không thể đăng ký công ty đại chúng...

Với tranh chấp kéo dài, không những các bên làm hại lẫn nhau, mà còn tạo cơ hội cho đối thủ bên ngoài nhảy vào “thôn tính”. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Châu bức xúc nói: “Trong xu thế cạnh tranh, mọi chủ thể kinh doanh đều phải vất vả để tìm kiếm đối tác từ bên ngoài, thì không lý gì các thành viên HĐQT Công ty Đay Sài Gòn lại cứ để tranh chấp nội bộ kéo dài, để rồi tự làm suy yếu mình. Theo tôi, các bên nên có thiện chí ngồi lại đối thoại với nhau, để tìm ra giải pháp tốt nhất, chứ đừng đối đầu”.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP SIMCO Sông Đà (09/07/2007)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) (09/07/2007)

>   PetroVietnam muốn thành lập thêm hai tổng công ty (09/07/2007)

>   CMID tăng vốn điều lệ và tạm ứng cổ tức đợt I/2007 (09/07/2007)

>   PV Gas South thông báo ủy quyền quản lý cổ đông (09/07/2007)

>   Seaprimexco chi trả cổ tức đợt 1 năm 2007 (09/07/2007)

>   Kế hoạch tăng vốn điều lệ giai đoạn I - năm 2007 của NADYPHAR (09/07/2007)

>   C&T ủy quyền quản lý sổ cổ đông & nhận sổ chứng nhận cổ đông (09/07/2007)

>   Giá trị thực mang lại lợi ích bền lâu (09/07/2007)

>   BIDV và ICB đã có nhà tư vấn CPH (08/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật