Thứ Năm, 07/06/2007 14:00

Thị trường OTC sẽ bớt rủi ro

UBCKNN đang lấy ý kiến các cơ quan, CTCK về đề án quản lý thị trường OTC. Đây là một trong những bước quan trọng làm minh bạch và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán tự do này.

Gom về một mối

Dự kiến, khi đề án này ra đời, CP của các công ty cổ phần muốn giao dịch sẽ phải lưu ký tại Trung tâm lưu ký, trước khi đăng ký là công ty đại chúng với UBCKNN. Ông Nguyễn Sơn, Phó Trưởng ban Phát triển thị trường (UBCKNN) cho biết, đối tượng của đề án này sẽ rất rộng vì ngoài các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn Hà Nội và TP. HCM thì tất cả các doanh nghiệp cổ phần đều thuộc đề án này. Về phía nhà đầu tư, thay vì mua giấy viết tay và làm thủ tục chuyển nhượng tại công ty phát hành, thì với đề án này, họ phải có tài khoản tại CTCK thì mới được tiến hành giao dịch. Sau khi giao dịch thành công, kết quả giao dịch sẽ được chuyển về TTGDCK Hà Nội (HASTC) – là nơi quản lý CP của các công ty này, sau đó chuyển qua Trung tâm lưu ký để thanh toán, bù trừ.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc HASTC, quy định này nhằm quản lý hoạt động mua bán. Nếu việc này được thực hiện cũng đồng nghĩa giá giao dịch của các CP tự do sẽ chính xác hơn, thay vì cách giao dịch hiện hành đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị làm giá.

Trường hợp nhà đầu tư muốn mua hoặc bán CP mà chưa tìm được khách, nhà đầu tư sẽ đăng ký rao bán, rao mua qua CTCK, lệnh mua bán sẽ được chuyển lên hệ thống giao dịch của HASTC để hai bên có thể truy cập hệ thống tìm đối tác. Trường hợp nhà đầu tư đã tìm được khách mua hoặc bán CP sẽ tự thỏa thuận giá cả, thông báo với CTCK, giao dịch sẽ được chuyển lên HASTC và cơ quan này sẽ thông báo qua Trung tâm lưu ký để thực hiện bù trừ chứng khoán và làm thủ tục chuyển tên.

Còn nhiều khó khăn

Theo quy định tại Thông tư 38 (Bộ Tài chính) hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK, các công ty đại chúng cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt về công bố thông tin mà các công ty niêm yết hiện nay đang phải thực hiện như: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo tài chính năm được kiểm toán, công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ; nội dung công bố thông tin về báo cáo tài chính năm cũng phải đầy đủ (bao gồm phải có bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ. bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán).

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được đề án này, yêu cầu đầu tiên là các công ty phải đăng ký là công ty đại chúng. Song theo danh sách các công ty đăng ký với UBCKNN tính đến ngày 29/5 mới chỉ dừng lại ở con số 169 doanh nghiệp trong tổng số hàng nghìn công ty đang có CP giao dịch hiện nay. Một quan chức Bộ Tài chính thừa nhận, nhiều doanh nghiệp không muốn đăng ký là công ty đại chúng vì họ “sợ” quy định phải công bố thông tin. Bởi thực tế hiện nay, nhiều thông tin “mập mờ” lại đang giúp ích chính họ, đơn giản nhìn thấy nhất đó là nhiều CP chỉ tăng giá dựa theo tin đồn, tác nhân trong đó không chỉ là người đầu cơ mà còn cả chính doanh nghiệp phát hành. Bên cạnh đó, để thực hiện được đề án này, cần phải có một hệ thống kết nối của các CTCK với hệ thống của HASTC, rồi dịch vụ quản lý... Trong khi đó, bản thân nhiều CTCK hiện nay không đủ nhân sự để đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, nay phải thêm người để làm công việc này là điều mà nhiều CTCK không mong muốn.

Theo dự kiến, đề án này sẽ bắt đầu được thực hiện vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, song xem ra khó thực hiện đúng tiến độ.

Theo SGG

Các tin tức khác

>   CPH: Chủ trương - chính sách mới (07/06/2007)

>   Southern Bank tổ chức ĐHCĐ năm 2006 (06/06/2007)

>   Thông tin về việc đấu giá bán cổ phần lần đầu của Vungtau Intourco Resort (06/06/2007)

>   CPH Bình Dân: Ngành y tế “cầm đèn chạy trước ô tô” (06/06/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần VungTau Intourco Resort (06/06/2007)

>   Bột mì Bình An bán cổ phần (06/06/2007)

>   169 công ty đại chúng đăng ký vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng (06/06/2007)

>   Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của CTCP Văn phòng phẩm Hồng Hà (06/06/2007)

>   Bệnh viện Bình Dân giá “rẻ như cho”? (06/06/2007)

>   Ki Do chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu (06/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật