Bột mì Bình An bán cổ phần
Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Bột mì Bình An (vốn điều lệ 44,7 tỷ đồng) thông báo, ngày 18/6, tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM sẽ tổ chức bán đấu giá 121.436 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần, giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần để đưa cổ phần của công ty lên sàn giao dịch tập trung trong năm 2007.
Theo công ty, nhu cầu tiêu dùng bột mì ở Việt Nam hàng năm ngày một tăng cao, ước tính từ 600.000-700.000 tấn/năm, đặc biệt là sản phẩm bột mì cao cấp.
Hiện nay, cả nước có 28 nhà máy sản xuất bột mì, tại phía Nam 18 nhà máy, trong đó, chỉ có từ 4-5 doanh nghiệp có khả năng chi phối thị trường như Bột mì Bình Đông, Bột mì Bình An, Interflour, Việt - Ý... và có công nghệ tốt, sản phẩm có thương hiệu. Các nhà máy còn lại có năng suất nhỏ và công nghệ xuất xứ từ Trung Quốc nên hiệu quả sản xuất kinh doanh còn nhiều giới hạn.
Công ty Bột mì Bình An được sự hỗ trợ của Tổng công ty Lương thực miền Nam (công ty mẹ) đã bám sát thị trường lúa mì thế giới nên công tác nhập lúa trong các năm đều thuận lợi nên có giá tồn kho nguyên liệu khá tốt, đáp ứng đủ nguồn vốn, nguồn ngoại tệ để nhập khẩu sản lượng lớn, tạo được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu ổn định.
Công tác tiêu thụ sản phẩm được thực hiện tốt, chính sách bán hàng linh hoạt, sản phẩm làm ra được các thành viên thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam tiêu thụ (ước tính trên 25% sản lượng làm ra cung cấp cho các công ty thành viên, là những công ty sản xuất các sản phẩm từ bột mì) nên sản lượng sản xuất hàng năm ổn định và tăng trưởng tốt trong các năm qua.
Công nghệ sản xuất thuộc loại tốt (do hãng Buhler, Thụy Sĩ cung cấp), hệ thống thiết bị tự động nên chi phí sản xuất thấp, sử dụng rất ít nhân công tạo điều kiện thuận lợi cho tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Thương hiệu bột mì Bình An (Hoa Lan và Hoa Sen) đã tạo được uy tín trên thị trường. Hiện nay, các lò bánh mì chủ yếu sử dụng bột Hoa Lan để làm nguyên liệu bánh mì và bột Hoa Sen cung cấp cho các nhà máy sản xuất bánh cao cấp.
Tuy nhiên, Bình An cũng có những khó khăn và có thể gặp những rủi ro sau: thị trường tiêu thụ bột mì hiện ở giai đoạn cạnh tranh cao, trong khi đó, chi phí đầu vào tăng, đặc biệt giá lúa mì ngày càng tăng, làm cho giá thành sản phẩm tăng lên nhưng giá bán của sản phẩm chưa thể điều chỉnh tăng tương ứng theo các yếu tố chi phí tăng. Cạnh tranh gay gắt về giá giữa các doanh nghiệp sản xuất bột mì trong nước ngày càng tăng.
Nguồn nguyên liệu chính của Bình An chủ yếu là nhập khẩu, phải sử dụng ngoại tệ nên có thể gặp rủi ro trong biến động tỉ giá giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ. Do nhiều nhà máy bột mì đã được thành lập trong thời gian gần đây với sự tham gia của một số nhà máy lớn là liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài đã làm cho việc cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, nhất là cạnh tranh về giá.
Thêm vào đó, bột mì nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng đã làm cho áp lực cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Bản thân các mặt hàng nông sản có rủi ro cao do phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên làm cho giá thành không ổn định. Trên thực tế, giá lúa mì trên thị trường thế giới biến động lớn cũng là rủi ro lớn cho công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
TBKTVN
|