Thị trường đi trước, quản lý chạy sau
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần này liên tục chao đảo bởi quyết định của Chính phủ Trung Quốc tăng thuế chuyển nhượng cổ phiếu từ 0,1% lên 0,3%. Tỉ lệ đánh thuế này tuy không phải là cao nhưng đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, vì ai cũng hiểu đó chính là động thái làm nguội thị trường của chính phủ.
Ở VN, dù các nhà đầu tư tỏ ra khá bình thản vì đã quen với những cơn nóng lạnh của thị trường trước những quyết định “bất chợt” của các cơ quan quản lý hay những phát biểu “vô tư” của những người có trọng trách với thị trường chứng khoán vốn nhạy cảm hơn cả thời tiết nhưng vẫn bị sốc bởi động thái của Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán.
Theo một chuyên gia, với quy định này, ước tính sẽ có khoảng 40.000- 50.000 tỉ đồng vốn từ thị trường rút vào ngân hàng. Trong khi lượng cung chứng khoán đang tăng mạnh với các đợt IPO mới đây của Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt và sắp tới là các đại gia được mong chờ như BIDV, VCB, ICB... nhu cầu vay đầu tư chứng khoán vì vậy đã và sẽ rất lớn. Khối ngân hàng TMCP đang cho vay chứng khoán nhiều nhất đã phản ứng trước quyết định này, không phải vì sự quá hạn hẹp của tỉ lệ cho vay, mà vì sự can thiệp trực tiếp không mấy phù hợp với thời điểm hiện nay. Các nhà đầu tư thận trọng hơn trước quyết định đầu tư vì theo họ, đó cũng là một động thái muốn làm giảm nhiệt thị trường của nhà quản lý. Oái oăm hơn, động thái này lại diễn ra vào thời điểm thị trường đã qua cơn sốt nóng, đang cầm cự ở ngưỡng sắp tụt dốc. Một nhà đầu tư nhận xét các nhà quản lý VN luôn chạy theo thị trường và vì thế thường lạc điệu. Khi đang nóng thì không kịp thời tung hàng; khi nguội thì đưa ra những quy định làm giảm nhiệt. Rồi chuyện giao dịch khớp lệnh tại TPHCM luôn bị hoãn (các cụ nói “quá tam ba bận”, nhưng nay đã quá tam mà vẫn chưa biết khi nào thực hiện), vì hạ tầng không theo kịp. Rồi thuế thu nhập đánh trên cổ phiếu thưởng, những quy định hạn chế các quỹ đầu tư nước ngoài, dù vẫn trên dự thảo... Những động thái quản lý này sẽ hiệu quả nếu được đưa ra đúng thời điểm, dựa trên những dự báo chuẩn xác. Còn cứ mải chạy theo, quản lý không được thì siết sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư, làm yếu đi môi trường kinh doanh vốn chưa phải đã quá hấp dẫn.
“Ban hành những quy định tốt về tài chính và cơ sở hạ tầng là chìa khóa bảo đảm thành công của VN trong tương lai”- ông James Adams, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), nói tại cuộc họp các nhà tư vấn mới đây. Đó cũng là điều cần thiết của VN hiện nay.
NLĐ
|