Thái Lan: Kinh tế “rơi tự do”
Nền kinh tế Thái Lan đang “tụt dốc” rất nhanh trước những xáo trộn trong nước trong thời gian gần đây. Một loạt sai lầm trong chính sách kinh tế đang làm tổn hại nghiêm trọng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với việc điều hành của Chính phủ Thái Lan hiện nay, trong đó có việc kiểm soát ngoại tệ, kiểm soát giao dịch cổ phiếu và trái phiếu...
Số liệu kinh tế mới nhất cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư và doanh nhân trong nước hiện rất lo ngại về đường hướng kinh tế hiện nay của Chính phủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong quý I năm nay đã giảm còn 4,3%, so với mức tăng trưởng 6,1% của cùng kỳ năm 2006. Lần đầu tiên kể từ năm 2001, đầu tư của tư nhân trong quý I năm nay giảm (giảm 2,4%).
Theo nghiên cứu mới công bố của Công ty chứng khoán Phatra Securities, tiêu dùng cá nhân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý II năm 1999. Ông James Pitchon, Giám đốc điều hành Công ty bất động sản CB Richard Ellis tại Bangkok cho biết, trong năm 2006, tổng diện tích văn phòng cho thuê tại các thành phố đã giảm 60% so với năm 2005.
Mặc dù đồng baht tăng giá 17% so với đồng USD trong năm 2006, song xuất khẩu của Thái Lan vẫn đạt mức tăng trưởng 17% trong năm qua. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng vững trong những tháng đầu năm nay, song dự báo sẽ giảm mạnh trong những tháng tới. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ lâm vào suy thoái của nền kinh tế Thái Lan, bởi xuất khẩu chiếm tới 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Vấn đề đặt ra hiện nay là, Thái Lan cần nỗ lực tìm kiếm các động lực tăng trưởng khác để bù đắp cho phần xuất khẩu giảm sút.
Theo các nhà phân tích, việc kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm lại với tốc độ rất nhanh hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh kinh tế của nước này. Mối lo ngại chính là sự trì hoãn các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và sự lưỡng lự của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trước những thay đổi chính sách của Chính phủ Thái Lan hiện nay.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, những bất cập về cơ sở hạ tầng là một trong 3 mối lo ngại lớn nhất đối với khả năng cạnh tranh của các công ty Thái Lan. Các nhà lãnh đạo kinh doanh Thái Lan cũng đã nhận thức sâu sắc về nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh của mình trên quy mô toàn cầu. Trong những năm gần đây, các ngành hậu cần vận tải chủ chốt của Thái Lan có chi phí cao gấp đôi so với nhiều nước phát triển, nên hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh của nước này.
Theo các nhà phân tích kinh tế, để đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững, Thái Lan cần xây dựng thêm hệ thống đường cao tốc mới hoặc nâng cấp các tuyến đường cao tốc hiện có.
Những năm trước, dưới sự điều hành của chính phủ cũ, Thái Lan đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau cuộc chính biến năm ngoái, khi có nhiều thay đổi trong chính sách đầu tư nước ngoài.
ĐTCK
|