Thứ Hai, 18/06/2007 23:33

PV Trans - khó khăn nhiều hơn thuận lợi

Trong quí 1/2007, lợi nhuận của Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), người anh em của Công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) trong gia đình dầu khí, chỉ có 36 tỉ đồng và bằng 5,3% vốn điều lệ, nhưng trên thị trường chứng khoán cổ phiếu của PVD vẫn được giao dịch với giá gấp 24-25 lần mệnh giá gốc.

Tại thời điểm đấu giá cổ phiếu rộng rãi ra công chúng, PV Trans cũng có một số đặc điểm gần giống với PVD về tỷ suất lợi nhuận thấp tại thời điểm trước khi lên sàn và những lợi thế cơ hội khác. Tuy nhiên, hai bên lại có những khác biệt cơ bản về điều kiện thị trường và triển vọng kinh doanh. Đây cũng là lý do chính khiến cho giá cổ phiếu PV Trans trên thị trường OTC liên tục giảm trong những tháng vừa qua.

PV Trans là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có trong tay hai chiếc tàu chở dầu thô vỏ kép, trọng tải 100.000 tấn. Cũng như PVD, chiếc tàu đầu tiên PV Trans mua được với giá rất thấp, bằng chưa tới một nửa so với mặt bằng giá thị trường hiện nay. Còn tàu dầu thứ hai, dù chi phí đầu tư đã lên đến 51 triệu đô la Mỹ, nhưng vẫn rẻ hơn 19 triệu đô la Mỹ so với sản phẩm của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy đang chuẩn bị đóng theo hợp đồng đã ký với PV Trans.

Thị trường vận tải dầu khí Việt Nam cũng có tiềm năng lớn. Hiện nay, nhu cầu vận chuyển dầu thô cửa khẩu của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) khoảng 17 triệu tấn mỗi năm. Sắp tới, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và tiếp đến là các nhà máy lọc dầu ở Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động, nhu cầu vận tải dầu thô và xăng, dầu thành phẩm sẽ tăng nhanh.

Tuy nhiên, diễn biến giá cả thị trường vận tải dầu thô lại không được thuận lợi như dịch vụ cho thuê giàn khoan của PVD. Trong ba năm qua, giá cho thuê giàn khoan đã tăng trên ba lần, còn dịch vụ vận chuyển dầu chỉ tăng được 10%, trong khi các chi phí đầu vào khác như nhiên liệu, vật tư và phụ tùng thay thế lại vọt lên tới 60-200%. Bất lợi đó làm cho hiệu quả kinh doanh của PV Trans giảm mạnh. Dự kiến lợi nhuận trên vốn năm 2007 của công ty chỉ đạt 2,15%, giảm hơn bảy lần so với ba năm trước. Theo kế hoạch kinh doanh của PV Trans, doanh thu dịch vụ trong những năm tới sẽ tăng mạnh và dự kiến đạt 2.213 tỉ đồng vào năm 2010, gấp 6,1 lần so với năm 2006. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh sẽ không có nhiều cải thiện do mặt bằng giá cả vận chuyển trên thị trường thế giới ít có khả năng thay đổi nhiều. PV Trans dự báo, lợi nhuận trên vốn vào năm 2010 chỉ vào khoảng 5,88%.

Tháng trước, ông Bùi Thọ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PV Trans, công bố từ nay đến 2010 công ty sẽ đầu tư 1,123 tỉ đô la Mỹ để nâng cao năng lực vận chuyển của mình. Như vậy, đến 2010 đội tàu của PV Trans sẽ có năm tàu chở dầu thô loại trọng tải 100.000 tấn, sáu tàu chở xăng, dầu 5.000-30.000 tấn, bốn tàu LPG và một tàu chở hóa chất. Kế hoạch đầu tư này nhằm mục tiêu đón đầu nhu cầu vận tải dầu thô và các sản phẩm dầu cho các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn dự kiến hoạt động vào các năm 2009 và 2012. Đồng thời công ty còn phấn đấu giành quyền vận chuyển 30% sản lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam.

Quyết định đầu tư lớn cho phát triển đội tàu của PV Trans là dựa vào triển vọng nhu cầu thị trường. Nhưng có giành được quyền vận chuyển hay không thì đến nay chưa ai dám khẳng định, cho dù PetroVietnam, công ty mẹ của PV Trans, có thể định đoạt việc này. Một chuyên viên của PetroVietnam nói : “Nếu tình hình vẫn cứ diễn ra như hiện nay, thì PV Trans lại phải đi bươn chải tìm hợp đồng cho đội tàu của mình ở nước ngoài”.

Năm ngoái, PV Trans chỉ giành được quyền vận chuyển một chuyến dầu thô xuất khẩu của PetroVietnam, trong khi số lượng dầu xuất khẩu đủ cho 170 chuyến tàu loại trọng tải 100.000 tấn. Chuyên viên của PetroVietnam cho biết, đã có không ít cuộc tranh luận căng thẳng giữa PV Trans và công ty lo việc xuất khẩu dầu thô là Petechim về vấn đề vận chuyển, nhưng chiều hướng xem ra ngày càng xấu đi cho PV Trans. Để khai thác hết năng lực hai chiếc tàu, hiện PV Trans phải đi đấu thầu tìm hợp đồng vận chuyển ở nước ngoài, nhiều khi còn phải chấp nhận vận chuyển với giá thấp.

Ngoài vấn đề mặt bằng cước phí vận chuyển của thị trường, hiệu quả kinh doanh của PV Trans trong những năm tới còn có thể bị tác động do công ty không được chọn lựa nhà cung cấp ba chiếc tàu chở dầu thô mới. Theo yêu cầu từ cấp trên, PV Trans phải ký hợp đồng đóng ba tàu dầu 100.000 tấn với Vinashin với giá 210 triệu đô la Mỹ, đắt hơn so với tàu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đóng khoảng 4-5 triệu đô la Mỹ mỗi chiếc. Ngoài vấn đề giá cả, điều khiến PV Trans lo lắng là chất lượng của tàu, vì trước ba chiếc tàu này Vinashin chỉ có kinh nghiệm đóng một chiếc. PV Trans cho rằng, mức độ thành công của dự án đóng ba tàu chở dầu thô với Vinashin có tiềm ẩn rủi ro. Trong bản cáo bạch thông tin, công ty cho rằng: “Về chất lượng, các tàu này không thể đạt ngang bằng với các tàu cùng loại đóng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chi phí cao, nhưng chất lượng và hiệu quả không tương xứng, việc điều hành khai thác các tàu cũng là một khó khăn lớn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và phát triển của công ty”.

Nếu chất lượng tàu của Vinashin không bằng của các nước khác đóng như PV Trans lo ngại, thì chi phí khai thác sẽ tăng cao, nhất là phí bảo hiểm. Ngoài ra, vận tải dầu thô là ngành chứa đựng nhiều rủi ro về môi trường, tàu dầu 100.000 tấn mà Vinashin sẽ đóng lại là loại có kỹ thuật phức tạp, nên công ty lo sẽ khó thuyết phục khách hàng trao cho mình quyền vận chuyển bằng những chiếc tàu mới này.

Lẽ đương nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu đang ở bước đầu phát triển, việc Chính phủ hỗ trợ trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm là cần thiết. Nhưng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp này cũng không nên gây khó khăn cho doanh nghiệp khác. Trong trường hợp của PV Trans, lẽ ra khi yêu cầu phải đặt Vinashin đóng ba tàu dầu, Chính phủ nên có một số biện pháp trợ giúp nhằm bù lại những thiệt hại phát sinh do phải thực hiện yêu cầu đó.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   PNJ sẽ tăng vốn lên 500 tỷ đồng trong năm 2007 (18/06/2007)

>   Công nghiệp phần mềm “lỗi hẹn” (18/06/2007)

>   VMS MobiFone bán 20% cổ phần ra công chúng (18/06/2007)

>   HUD3 trở thành đối tác chiến lược của Nikko Việt Nam (18/06/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cty Cổ phần Nam Việt (18/06/2007)

>   Đấu giá cổ phiếu PVI: Nước ngoài được quyền mua toàn bộ (18/06/2007)

>   Saigonbank tổ chức Ðại Hội Đồng Cổ Đông bất thường (18/06/2007)

>   Cân nhắc thời gian đấu giá cổ phần doanh nghiệp lớn (18/06/2007)

>   Cổ phiếu ngân hàng mới không được chuyển nhượng ra bên ngoài trong 3 năm đầu tiên (18/06/2007)

>   Đầu tư 250 triệu USD xây dựng các công trình cao cấp ở trung tâm TP.HCM   (18/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật