Thứ Hai, 18/06/2007 23:09

Công nghiệp phần mềm “lỗi hẹn”

So với mục tiêu đề ra trong Chỉ thị 58, ngành công nghiệp phần mềm chưa hoàn thành trách nhiệm được giao.

Sáng 15/6, Bộ Bưu chính Viễn thông đã tổng kết 5 năm (2001-2005) thực hiện Chỉ thị số 58/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo báo cáo, thì mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp phầm mềm trong giai đoạn 2001-2005 đã không cán đích.

Theo Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58 của Chính phủ, thì mục tiêu đến năm 2005 giá trị sản lượng phần mềm đạt khoảng 500 triệu USD/năm. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết thực hiện, vào năm 2005, doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ phần mềm ước đạt 250 triệu USD, đạt 50% so với chỉ tiêu. Trong đó, xuất khẩu phần mềm khoảng 70 triệu USD, cũng chỉ đạt 35% so với kế hoạch là 200 triệu USD.

Lý do, theo ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa), thì mục tiêu là 500 triệu USD nhưng lại chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể để đạt được con số này.

“Trong suốt giai đoạn 2001 - 2005, ngành công nghiệp phần mềm thiếu “bàn tay” hỗ trợ thích đáng từ phía Nhà nước. Các văn bản chính thức về lĩnh vực phần mềm rất ít, nếu có thì hình ảnh về phần mềm cũng mờ nhạt”, Tổng thư ký Vinasa cho hay. “Cùng với thời gian này, các doanh nghiệp phần mềm phải tự bươn chải là chính”.

Ngoài ra, vẫn theo lời ông Phạm Tấn Công, công nghiệp phần mềm chưa đạt được hiệu quả cao còn do Việt Nam chưa có sự đột phá trong đào tạo nhân lực phần mềm. “Mỗi năm, cả nước đào tạo được 9.000 kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin, trong khi đó Trung Quốc đào tạo được 500.000 kỹ sư trong 3 năm, Ấn Độ đào tạo được 1 triệu kỹ sư từ năm1999-2005”.

Cùng với ngành phần mềm, ngành công nghiệp phần cứng cũng chưa đạt kết quả đề ra. Thực tế cho thấy, số lượng máy tính lắp ráp trong nước có thương hiệu mới chiếm 25 – 30% thị trường nội địa, thiết bị viễn thông mới đạt khoảng 35% trong khi chỉ tiêu là đáp ứng 80% nhu cầu nội địa.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, trong giai đoạn tới, ngành công nghệ phần mềm sẽ có bước tiến khởi sắc hơn giai đoạn 2001 - 2005. Đơn cử, doanh thu từ ngành này đạt 300 triệu USD trong năm 2006, cao hơn gấp 6 lần năm 2000 là 50 triệu USD.

Nhưng so với Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 mà Chính phủ phê duyệt vào tháng 4 vừa qua là đến năm 2010, tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt trên 800 triệu USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40% thì vẫn còn là sự kỳ vọng vào ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Internet và viễn thông cán đích

Trong khi ngành công nghiệp phần mềm lại không hoàn thành mục tiêu, bù lại việc ứng dụng viễn thông và Internet đạt yêu cầu.

Theo đánh giá của tỉnh Nghệ An, thành công lớn nhất sau thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị 58 là viễn thông có được hạ tầng trải rộng, 100% số xã có điện thoại và cáp quang phủ đến tất cả các huyện. Trên cơ sở hạ tầng này, số lượng người dùng điện thoại và dịch vụ Internet tăng nhanh.

Cùng với Nghệ An, một số địa phương khác, như Thanh Hóa hay Đà Nẵng cũng có được tốc độ phát triển nhanh về viễn thông và Internet.

Đấy là ở cấp độ địa phương, còn ở bình diện quốc gia, viễn thông và Internet đã có sự bùng nổ. Theo báo cáo, cả nước có 7.717 điểm biên điện văn hóa xã, trong đó có 2.500 điểm kết nối Internet. Còn tính đến hết năm 2005, Việt Nam đã có 16 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 57% là điện thoại di động, đạt mật độ 19 máy/100 dân. Số lượng người sử dụng Internet đạt 10,7 triệu người, gấp hơn 2,5 lần so với chỉ tiêu đề ra.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   VMS MobiFone bán 20% cổ phần ra công chúng (18/06/2007)

>   HUD3 trở thành đối tác chiến lược của Nikko Việt Nam (18/06/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cty Cổ phần Nam Việt (18/06/2007)

>   Đấu giá cổ phiếu PVI: Nước ngoài được quyền mua toàn bộ (18/06/2007)

>   Saigonbank tổ chức Ðại Hội Đồng Cổ Đông bất thường (18/06/2007)

>   Cân nhắc thời gian đấu giá cổ phần doanh nghiệp lớn (18/06/2007)

>   Cổ phiếu ngân hàng mới không được chuyển nhượng ra bên ngoài trong 3 năm đầu tiên (18/06/2007)

>   Đầu tư 250 triệu USD xây dựng các công trình cao cấp ở trung tâm TP.HCM   (18/06/2007)

>   Tăng phí dịch vụ vì không thể bù lỗ (18/06/2007)

>   Cuộc đua nóng vào ngành viễn thông Việt Nam (18/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật