Nên cân nhắc quyền lợi của nhà đầu tư!
Tình trạng "chợ chiều" của các phiên đấu giá cổ phần lần đầu và sự giảm giá cổ phần của DN trong các phiên đấu giá cổ phần lần hai diễn ra khá liên tục khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an.
Lấy ví dụ trường hợp phiên đấu giá lại cổ phần Công ty Khí hoá lỏng miền Nam mới diễn ra vừa qua với mức giá trúng thầu bình quân chỉ bằng 1/3 so với giá trúng bình quân lần đầu (57.479 đồng/CP so với 177.814 đồng/CP) có thể thấy, nhà đầu tư trúng đấu giá lần đầu trở nên bị thiệt hại do phải mua cổ phiếu với giá cao hơn nhiều so với những nhà đầu tư mua sau. Phải chăng những phiên đấu giá sau được tiến hành quá sát với phiên đấu giá lần đầu? Hiệu quả kinh tế trong những trường hợp này nên được nhìn nhận như thế nào đứng về góc độ nhà đầu tư và chủ sở hữu nhà nước?
Cần phải nói rõ rằng, việc tổ chức ngay đợt đấu giá lần hai sau khi phiên đấu giá lần đầu chưa đạt được mục tiêu bán hết số cổ phần dự kiến phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá, DN phải hoàn thành việc bán cổ phần. Trường hợp cổ phần chưa bán hết thì DN phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để điều chỉnh quy mô hoặc cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hoá và thực hiện chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
Tuy nhiên, Thông tư 95/2006/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 126/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/NĐ-CP đã có hướng dẫn "thêm" với trường hợp số lượng cổ phần chưa bán hết chiếm từ 50% số lượng cổ phần bán đấu giá trở lên. Cụ thể, cơ quan quyết định cổ phần hoá xem xét điều chỉnh giá khởi điểm và tổ chức bán đấu giá tiếp số cổ phần còn lại với nguyên tắc là giá khởi điểm được điều chỉnh không thấp hơn mệnh giá.
Như vậy, có thể hiểu rằng, khoảng cách tối đa giữa phiên đấu giá lần đầu với các phiên tiếp sau trong trường hợp DN phải tổ chức đấu giá tiếp số cổ phần còn lại là 4 tháng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cho dù thị trường khi đó đang ở thế bất lợi cho việc đấu giá cổ phần thì DN cũng không có thể kéo dài hơn thời gian này. Phải chăng áp lực này khiến cảnh ế ẩm của phiên đấu giá lần đầu lây lan sang các phiên tiếp theo? Hậu quả nhìn thấy ngay được là sự thua thiệt dành cho nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phiếu lần đầu và của chủ sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác được đặt ra ở đây là tại sao lại phải khống chế khoảng thời gian này trong khi việc xác định thời điểm bán đấu giá thành công phụ thuộc rất lớn vào tình hình của thị trường và sự nhạy cảm của các DN? Việc lựa chọn thời điểm sẽ quyết định gần như toàn bộ sự thành công của phiên đấu giá. Hơn nữa, ở Việt Nam, khi thiết chế về bảo lãnh phát hành còn chưa thực sự đầy đủ thì thời điểm tiến hành đấu giá lần một và các lần tiếp theo lại mang ý nghĩa lớn hơn trong sự thành công của cổ phần hoá.
Trao đổi với ĐTCK-online, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sự khống chế thời gian như vậy có lẽ dựa trên nền tảng coi cổ phần hoá là mục đích chính. Có nghĩa là đặt việc phải hoàn thành cổ phần hoá lên các mục đích khác. "Quan điểm của tôi lâu nay vẫn là phải đặt mục tiêu hiệu quả của các hình thức đa dạng sở hữu DN nhà nước, trong đó có cổ phần hoá, lên trên, là mục đích cuối cùng chứ không phải là số lượng các DN đã hoàn thành. Tuy nhiên, vào thời điểm vài năm trước đây, sự chần chừ của không ít DN trong kế hoạch cổ phần hoá đã tác động rất lớn tới việc hoạch định chính sách. Việc khống chế thời gian hoàn thành bán cổ phần là một trong những giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá trong mỗi DN cụ thể", ông Cung bình luận và cho rằng, đó là mặt được của chính sách vào thời điểm đó.
Vào thời điểm này, cơ hội khai thác tối đa hiệu quả từ cổ phần hoá DN nhà nước qua những phiên đấu giá đang bị ảnh hưởng lớn bởi sự khống chế và ràng buộc về thời gian. Ông Cung cho rằng, có lẽ trong những trường hợp cụ thể, cần tạo điều kiện để linh hoạt hơn trong xác định thời gian tổ chức các phiên đấu giá thay vì áp dụng cứng nhắc các quy định như hiện nay. "Khi mục đích hiệu quả được xác định đúng chỗ thì cổ phần hoá chỉ là phương tiện để thực hiện. Việc sử dụng phương tiện một cách hữu hiệu nhất sẽ được đưa ra phù hợp", ông Cung nói và nhắc tới những yếu tố khá nhạy cảm của những vị trí lãnh đạo DN. Ở đây, sự linh hoạt này chỉ có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao cho mọi bên tham gia mục tiêu vì lợi ích chung của cổ phần hoá được xác định.
Cũng phải nói thêm là bài toán kinh tế cần phải cân nhắc kỹ lưỡng ngay khi xây dựng phương án cổ phần hoá, lựa chọn thời điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu. Thường thì sự thất bại của phiên đấu giá lần đầu để lại dấu ấn không mấy tích cực trong các nhà đầu tư. Việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá cũng sẽ ảnh hưởng phần nào tới các kế hoạch đầu tư của DN mà cơ quan quyết định cổ phần hoá đã xác định. Hơn nữa, nếu như quyền lợi của các nhà đầu tư bị đặt ra ngoài các chính sách liên quan tới hoạt động cổ phần hoá thì có lẽ, sức hấp dẫn của các phiên đấu giá lần đầu cũng khó có thể duy trì.
ĐTCK
|