Thứ Sáu, 01/06/2007 09:52

“Có thể sớm cho phép các công ty quản lý quỹ mở chi nhánh”

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nếu thị trường chứng khoán phát triển tốt, Ủy ban sẽ cân nhắc việc trình Chính phủ cho phép các công ty quản lý quỹ được mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam trước thời hạn cam kết với WTO.

Thưa ông, kế hoạch hội nhập của lĩnh vực chứng khoán theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam có những điểm đáng chú ý nào?

Theo biểu cam kết WTO, ngay từ khi Việt Nam gia nhập, các công ty chứng khoán nước ngoài được phép thành lập liên doanh với phần vốn góp đến 49% để cung cấp dịch vụ chứng khoán.

Cũng ngay từ thời điểm Việt Nam gia nhập, các công ty chứng khoán nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, văn phòng đại diện chỉ có chức năng là văn phòng liên lạc, thúc đẩy và xúc tiến các hoạt động hỗ trợ cho công ty mẹ chứ không được cung cấp dịch vụ chứng khoán ra thị trường.

Sau năm năm kể từ khi gia nhập, dự kiến vào năm 2012, phía Việt Nam cho phép các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh, hoặc công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam; đối với công ty quản lý quỹ thì chỉ cho phép mở chi nhánh cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Phía Việt Nam có quyền đẩy nhanh hơn lộ trình này không?

Điều đó hoàn toàn tùy theo mức độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong thời gian tới chúng tôi cũng cân nhắc xem xét việc trình Chính phủ cho phép các công ty quản lý quỹ được mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam trước thời hạn.

Về việc hợp tác với các thị trường chứng khoán khu vực, Ủy ban có đẩy mạnh hoạt động này không?

Trong thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán đã ký biên bản hợp tác song phương với các tổ chức quản lý thị trường chứng khoán các nước như Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc, Ủy ban Chứng khoán Malaysia, Ủy ban Chứng khoán Thái Lan, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore.

Ngoài ra, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cũng chủ động ký kết một số biên bản ghi nhớ về hợp tác với một số sở giao dịch chứng khoán trong khu vực. Đây là nền tảng cho việc thực hiện các hoạt động hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc quản lý và phát triển thị trường chứng khoán.

 Ủy ban Chứng khoán hiện cũng đang trong quá trình chuẩn bị để tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác đa phương trong khuôn khổ IOSCO (Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán). HOSTC đang xúc tiến việc hợp tác với thị trường chứng khoán New York và HASTC sẽ hợp tác với Nasdaq.

Ông nhận định như thế nào về xu hướng niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam trên các thị trường chứng khoán nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Theo tôi, việc niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chứng khoán nước ngoài và việc các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (gọi là niêm yết chéo) hay việc các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời niêm yết cả ở thị trường trong nước và nước ngoài (gọi là niêm yết song song) là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu huy động vốn, chiến lược phát triển của mình mà các doanh nghiệp quyết định lựa chọn các kênh và địa chỉ huy động vốn khác nhau phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Và nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi ích gì và gặp thách thức nào từ xu hướng này?

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam sẽ được làm quen với một phong cách đầu tư chuyên nghiệp và một văn hóa kinh doanh mới từ các thị trường chứng khoán quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ chịu áp lực phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Ở góc độ khác, doanh nghiệp được quảng bá thương hiệu, không chỉ trên thị trường trong nước mà ra cả thị trường quốc tế, từ đó, nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa có tính minh bạch cao, chưa tạo được lòng tin vững chắc cho các nhà đầu tư và các đối tác nước ngoài, tính chuyên nghiệp thấp.

Việc áp dụng quản trị công ty và điều lệ mẫu theo thông lệ quốc tế chưa được các doanh nghiệp nỗ lực thực hiện. Việt Nam cũng chưa có các tổ chức định mức tín nhiệm để có thể đánh giá đúng giá trị của doanh nghiệp. Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế chưa được thực hiện một cách bắt buộc…

Bên cạnh đó, những quy định pháp lý cụ thể hướng dẫn việc các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài theo Luật Chứng khoán mới ban hành đang trong quá trình soạn thảo nên các doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu ra công chúng của GMC (31/05/2007)

>   REE niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (31/05/2007)

>   VIS Giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến Chủ tịch HĐQT (31/05/2007)

>   BT6 Thông báo thay đổi địa chỉ Văn phòng Đại diện (31/05/2007)

>   NSC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (31/05/2007)

>   NSC Bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (31/05/2007)

>   DRC niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (31/05/2007)

>   DHA: Kết quả giao dịch cổ phiếu Cổ Đông Lớn (31/05/2007)

>   Ông Lê Chí Hiếu đắc cử vào Hội đồng Quản trị CII (31/05/2007)

>   GMD: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (31/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật