Năm 2006, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về chi phí quân sự với 528,7 tỷ USD
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế trụ sở ở Stockholm (Thụy Điển), chi tiêu cho các hoạt động quân sự của toàn thế giới năm 2006 ước vào khoảng 1.200 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2005 và tăng 37% so cách đây một thập kỷ, trong đó Mỹ tiếp tục giữ ngôi đầu bảng với 528,7 tỷ USD (46%).
Số liệu thống kê cho thấy số tiền của 15 "cường quốc chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới" chiếm tới 83% tổng chi tiêu quân sự trên toàn thế giới. Sự gia tăng ngân sách quân sự của Mỹ trong những năm gần đây chủ yếu bởi nước này đang phải đương đầu với 2 cuộc chiến đầy tốn kém ở Iraq và Afghanistan. Trong giai đoạn 9.2001-6.2006, mức chi tiêu quân sự trung bình hàng năm của Mỹ là 432 tỷ USD. Các chuyên gia ước tính từ nay đến năm 2016, số tiền mà Mỹ phải ném vào chiến trường Irắc sẽ lên tới 2.267 tỷ USD.
Cũng trong năm 2006, Trung Quốc đã chi 49,5 tỷ USD cho các hoạt động quân sự, vượt qua Nhật Bản vươn lên đứng đầu các quốc gia Châu Á và thứ 4 thế giới. Trong cùng kỳ, số tiền dành cho các hoạt động quân sự của Nhật Bản là 43,7 tỷ USD, Nga là 34,7 tỷ USD và Ấn Độ là 23,9 tỷ USD.
Trong khoản ngân sách dành cho quân sự của toàn thế giới năm 2006, khoảng 50% số tiền được chi vào các hoạt động mua sắm, trang bị các loại vũ khí thông thường, trong đó Mỹ và Nga đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, còn Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất.
Vũ khí của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) là loại hàng hoá ăn khách nhất tại các nước ở khu vực Trung Đông. Khoảng 40 công ty và tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ cung cấp tới 63% các loại vũ khí được 100 công ty, tổ hợp quân sự trên thế giới tung ra thị trường, với trị giá khoảng 290 tỷ USD trong năm 2005. Trong khi đó, giá trị lượng vũ khí bán ra của 32 công ty và tổ hợp quân sự của các nước Tây Âu chiếm trên 29%.
Trong giai đoạn 2002 tới 2006, Mỹ và Nga là hai nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, với giá trị các loại vũ khí mỗi nước bán ra chiếm khoảng 30%. Xuất khẩu vũ khí của các nước EU chiếm 20%, số còn lại là của một số nước khác.
Trong số 10 cường quốc nhập khẩu vũ khí, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ còn có tới 5 nước khác ở Trung Đông và một số nước ở Trung Đông vẫn có các chương trình mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại trong những năm tiếp tới.
TTXVN
|