Kinh tế Nhật Bản tiếp tục đà phục hồi
Những dữ liệu kinh tế khả quan gần đây là cơ sở để Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koji Omi đưa ra nhận định về triển vọng tiếp tục phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Theo bộ trưởng Omi, báo cáo thống kê tình hình các doanh nghiệp của Bộ Tài chính vừa được công bố cho thấy nhu cầu trong nước ổn định cùng với sự phát triển vững chắc của khu vực doanh nghiệp.
Cuộc điều tra 24.148 công ty trong nước của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp nước này (trừ các doanh nghiệp tài chính) đã tăng đầu tư cơ bản vào nhà máy mới và trang thiết bị thêm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên trên 17.700 tỷ yên (khoảng 150 tỷ USD). Đây là quý thứ 16 liên tiếp đầu tư vào trang thiết bị của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng liên tục so với cùng kỳ năm trước và là quý thứ 5 liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số. Nếu không tính đầu tư thiết bị vào phần mềm có thể sử dụng lâu dài, đầu tư thiết bị quý I/07 của nền kinh tế Nhật Bản đã vượt qua mức đầu tư trong quý I của những năm kinh tế Nhật Bản phát triển bong bóng và đạt mức đầu tư cao nhất trong 16 năm qua.
Quý I/07 cũng là quý thứ 16 doanh số bán ra của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng liên tiếp, đạt trên 396.000 tỷ yên. Lợi nhuận của các công ty Nhật Bản trong quý đầu năm nay cũng tăng trung bình 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức kỷ lục16.600 tỷ yên và là quý tăng thứ 19 liên tiếp.
Đầu tư cơ bản của các công ty Nhật Bản đã trở thành trụ cột quan trọng của sự phục hồi kinh tế trong nước sau một thời kỳ ảm đạm kéo dài tới hơn 1 thập niên và cũng giúp làm giảm nhẹ tác động của chi tiêu tiêu dùng không cao trong nước đối với tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả điều tra này có thể dẫn đến tăng nội nhu và khiến cho tỷ lệ tăng trưởng trong quý I/07 của nền kinh tế Nhật Bản được điều chỉnh tăng nhẹ từ mức ước tính 2,4%/năm trước đây.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản đã cam kết đạt được mức tăng GDP khoảng 2,5%, cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng 2% của chính phủ trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/08.
Bộ Nội vụ và Bưu chính Nhật Bản cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 4/07 là 3,8%, giảm 0,2% so với tháng trước và là mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua. Việc tổng số người thất nghiệp ở Nhật Bản giảm 160.000 người xuống còn 2,68 triệu người cho thấy thị trường việc làm ở Nhật Bản tiếp tục được cải thiện và điều đó có thể khuyến khích Ngân hàng Nhật Bản xem xét nâng tỷ lệ lãi suất trong tương lai gần.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất an của thị trường như khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản tăng lãi suất ngắn hạn lên mức cao nhất trong 12 năm qua là 0,75% vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới, giá cổ phiếu tại thị trường thế giới đồng loạt giảm giá, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ có vốn dưới 100 triệu yên (khoảng gần 900.000 USD) của Nhật Bản vẫn tăng 5,3%. Tình hình kinh tế phát triển thuận lợi ảnh hưởng tích cực tới những công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn những khoảng xám. Đó là vấn đề thu nhập của người lao động vốn liên quan chặt chẽ đến khả năng tiêu dùng. Theo tính toán, trong quý I/07, chi phí lao động chỉ tăng 2,3% so với quý I/06, thấp hơn nhiều mức tăng 4,7% của quý IV/06. Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ giảm tốc và dự đoán bi quan về lĩnh vực công nghệ thông tin của Nhật Bản trong thời gian tới sẽ đình trệ vì lượng hàng tồn kho còn quá lớn cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.
Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục đối mặt với nguy cơ dân số giảm do tỷ lệ sinh giảm và số người già tăng. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cảnh báo đến năm 2035, dân số tại ít nhất 19 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này sẽ giảm 20%, dẫn tới tổng số dân của Nhật Bản giảm xuống chỉ còn 110,68 triệu người vào năm 2035 và 89,93 triệu người vào năm 2055.
Nhật Bản đã đạt mức tăng trưởng thực tế trên 2% kể từ tài khóa 2003/04. Tuy nhiên, GDP của nước này đã tăng chậm lại còn 1,9% trong tài khóa 2006/07, so với mức 2,4% trong tài khóa trước đó.
Đánh giá về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, Giám đốc viện nghiên cứu kinh tế của Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Daiichi cho rằng: Xét về mặt tổng thể thì các hoạt động kinh tế đang diễn ra thuận lợi. Lợi nhuận tăng là nguyên nhân quan trọng để xoá đi mọi sự lo ngại.
TTXVN
|