Khả năng hiện thực của FTA Ấn Độ-ASEAN
Phân tích về Hiệp định tự do thương mại (FTA) Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam A (ASEAN), tuần tin Các sự kiện chính trị (Ấn Độ) số ra ngày 10/6 cho biết Ấn Độ hy vọng sẽ ký kết FTA với ASEAN vào thời hạn chót tháng 7/07, chấm dứt một thời gian dài thương lượng đầy chông gai về các loại hàng hoá, thuế quan và danh sách các mặt hàng nhạy cảm.
Bên lề hội nghị ASEAN tại Cebu, Philippin hồi tháng 1/07, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và lãnh đạo của 10 nước ASEAN đã ấn định tháng 7 là thời hạn chót cho việc ký kết FTA giữa đôi bên. Kể từ đó tới nay, hai bên đã nhất trí về một khuôn khổ đã được thoả hiệp về hầu hết các vấn đề liên quan tới việc giảm thuế quan. Một FTA đúng thời điểm với ASEAN sẽ giúp Ấn Độ ngăn chặn được mối rủi ro của khả năng bị cách ly ra khỏi nhịp độ phát triển kinh tế của các cường quốc chủ chốt trong khu vực. Các nước ASEAN lo ngại về sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc ngày càng lan rộng tại khu vực này và nhận thấy rằng hợp tác sâu sắc với Ấn Độ sẽ là giải pháp mang lại hiệu quả vì về mặt địa chiến lược sự hợp tác này sẽ có lợi cho họ. Mục tiêu của Ấn Độ trở thành một cường quốc chính trị với tiềm năng kinh tế to lớn và trở thành một nền kinh tế có giá trị nghìn tỷ USD, đã dần trở thành hiện thực.
Về mặt kỹ thuật, các cuộc thương lượng Ấn Độ-ASEAN mới chỉ đánh dấu sự khởi đầu trong tiến trình hợp tác kinh tế toàn diện. Toàn bộ giải pháp cả gói không chỉ bao gồm hoạt động buôn bán hàng hoá thông thường, mà còn về buôn bán dịch vụ, đầu tư đa phương và trao đổi các ý tưởng mới. Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong đã từng khẳng định có nhiều cơ hội cho mối quan hệ của ASEAN với Ấn Độ chứ không chỉ FTA. Nhân tố này liên quan tới sự năng động trong khu vực dịch vụ của Ấn Độ và tiềm năng của Niu Đêli nổi lên là một cường quốc thế giới. Đồng thời ASEAN cũng không còn coi Ấn Độ là nền kinh tế hạng hai và Trung Quốc là nền kinh tế tốt nhất trong việc hợp tác. Hiện các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tới sự cần thiết có một "biện pháp chiến lược" trong việc tìm kiếm một bức tranh to lớn trong một khu vực Đông Á rộng lớn hơn. Tuy nhiên, đối với hai thành viên chủ chốt, Malaixia và Inđônêxia, Ấn Độ cần có sự nhân nhượng về thuế quan đối với mặt hàng dầu cọ. Niu Đêli đã đưa mặt hàng dầu cọ vào danh sách nhạy cảm chỉ được giảm thuế dần dần do những lý do trong nước.
Cũng cần phải lưu ý rằng Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) của Ấn Độ với Xingapo, đã được thực hiện trong 2 năm qua, có thể được coi là khuôn mẫu cho tiến trình hợp tác Ấn Độ-ASEAN. Tuy nhiên, Malaixia và Inđônêxia vốn ủng hộ lẫn nhau trong những bất đồng với Ấn Độ, đã phản đối hai giai đoạn khác nhau áp dụng đối với các mặt hàng nhạy cảm. Ấn Độ đồng ý giảm một loạt mặt hàng loại này, song hai bên vẫn chưa giải quyết hết các khó khăn.
Mặc dù không có ý định kéo dài thời hạn chót sau khi Ấn Độ đã có sự nhân nhượng, song cho tới nay vẫn chưa có một bước đột phá nào trong các cuộc thương lượng giữa Ấn Độ và ASEAN. Về mặt chính trị, 10 nước thành viên ASEAN muốn biết rõ tầm nhìn của Niu Đêli về sự hợp tác với ASEAN trong một khuôn khổ to lớn hơn và trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện chính sách ngoại giao tích cực đối với khu vực Đông Nam Á. Một số nước ASEAN cho rằng mục tiêu của Ấn Độ, thông qua "Chính sách Hướng Đông" nhằm cân bằng với Trung Quốc và làm dịu sức ép về địa lý và vật chất do mối quan hệ gần gũi Trung Quốc- ASEAN gây ra. Các nước ASEAN đang thử thách chính sách của Ấn Độ về khía cạnh này. Trung Quốc đã ký một hiệp định nhằm thiết lập một khu vực buôn bán tự do song phương với ASEAN vào năm 2010. Đây sẽ là khu vực buôn bán tự do lớn thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, 4 thành viên mới của ASEAN gồm Lào, Việt Nam, Campuchia và Mianma đã được hưởng thêm 5 năm để hoàn tất thời kỳ chuyển tiếp. Do vậy bốn nước này sẽ hoàn thành việc giảm thuế trong khuôn khổ của FTA vào năm 2015.
Trong bối cảnh đó, đối với ASEAN, bất chấp sự hoà nhập chặt chẽ, ý tưởng về một thị trường thống nhất vẫn là một mục tiêu đầy tham vọng. Thương mại trong nội khối ASEAN vẫn còn thấp, chiếm chưa đầy 35% tổng kim ngạch buôn bán của khối do một loạt rào cản phi thuế quan, những tiêu chuẩn khác nhau về hàng hoá và tình trạng khó khăn về thủ tục. Các giai đoạn phát triển khác nhau tại các nước ASEAN đã gây ra những nhậy cảm khác nhau và những nghi kỵ. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng khu vực này có khả năng rơi vào tay Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nếu 10 nước thành viên vẫn là những thị trường manh mún với những qui định hải quan, thủ tục, tiêu chuẩn sản xuất khác nhau và một loạt rào cản phi thuế quan, những hệ thống cấp giấy phép phức tạp. Những thách thức bắt nguồn từ Ấn Độ và Trung Quốc, hai cường quốc kinh tế đang nổi lên, và sự thất bại của các cuộc đàm phán thương mại đa phương vòng Đôha sẽ khiến cho môi trường chính trị tại các nước ASEAN trở nên có lợi hơn trong việc tuyên truyền những khái niệm hoà nhập kinh tế khu vực.
TTXVN
|