Các nước WTO bất đồng về thuế hải quan đối với hàng công nghiệp
Các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn đã bất đồng về vấn đề buôn bán nông sản, cuối tuần qua lại tiếp tục đối đầu gay gắt về mức thuế hải quan áp dụng đối với hàng công nghiệp.
Trong khi các nước phát triển muốn hạn chế mức thuế hải quan tối đa của họ đối với hàng công nghiệp là 10% và của các nước đang phát triển là 15%, thì các nước nghèo lại lập luận rằng họ đã bị đòi hỏi quá nhiều so với những nhượng bộ mà các nước giầu đưa ra trong buôn bán nông sản.
Nhà đàm phán Braxin, Clodoaldo Hugueney, cho rằng đề nghị nói trên của các nước phát triển là "không thể được".
Braxin, Ấn Độ, Nam Phi và một số nước thị trường mới nổi đề nghị các nước đang phát triển được phép đánh thuế tối đa tới 35% đối với hàng công nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, đề nghị này cũng không được thế giới phát triển chấp nhận và bị đại diện Liên minh Châu Âu, Eckart Guth, cho là "cao ngất trời"., trong khi một số nước đang phát triển khác như Chilê và Mêhicô cũng cho là "không thực tế".
Trung Quốc, nước vừa gia nhập WTO cuối năm 2001, lập luận rằng các thành viên mới cần thời gian dài hơn để áp dụng các biện pháp mở cửa thương mại, nhưng Mỹ, mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, khẳng định sẽ không đồng ý cho phép "một nước quan trọng" được hưởng quyền lợi đó.
Các nhà đàm phán WTO hy vọng đạt được thoả thuận về nguyên tắc cho vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu Đôha trước cuối tháng 7 năm nay.
Theo một tuyên bố của Mỹ vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng định tám nước công nghiệp hoá (G8), nhóm này cũng đã kêu gọi các nước thành viên WTO linh hoạt hơn để có thể đạt được thoả thuận vào cuối năm nay.
AFP, AP
|