Hoạt động mua bán sáp nhập đang nở rộ
Hoạt động mua bán sáp nhập nở rộ trong nửa đầu năm 2007 với một kỷ lục mới về giá trị chuyển nhượng, nhờ những thương vụ khổng lồ trong 6 tháng qua.
Khảo sát do hãng cung cấp thông tin Thomson Financial của Canada đưa ra ngày 22/6 cho thấy hoạt động mua bán sáp nhập nửa đầu 2007 đã đạt giá trị 2.510 tỷ USD, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả giá trị và mức tăng này đều là kỷ lục mới.
Hai đại gia ngân hàng châu Âu là ABN Amro NV của Hà Lan và Barclays PLC của Anh ngày 23/4 đã thông báo chính thức đồng ý sáp nhập với nhau
Giá trị sáp nhập tại châu Âu lần đầu tiên đã vượt qua cả Mỹ, thị trường luôn diễn ra các hoạt động mua bán sáp nhập sôi động nhất thế giới từ trước tới nay.
Có được điều đó là nhờ tại châu Âu nửa đầu 2007, diễn ra một số thương vụ khổng lồ, đặc biệt là thương vụ ngân hàng Hà Lan ABN Amro được ngân hàng Anh Barclays mua lại với giá 90,8 tỷ USD hồi tháng 4/2007. Nếu hoàn tất mọi thủ tục thành công, đây sẽ là vụ sáp nhập ngân hàng lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Tại Mỹ, trong tháng 2/2007 cũng có thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử nước này. Một nhóm các nhà đầu tư dẫn đầu bởi 2 tập đoàn hàng đầu thế giới là Kohlberg Kravis Roberts & Co và Texas Pacific Group cho biết đã đồng ý mua lại TXU Corp, nhà sản xuất điện lớn nhất bang Texas, Mỹ, với giá 43,8 tỷ USD.
Những vụ sáp nhập với giá trị hợp đồng lớn bằng cả GDP một năm của một nước đang phát triển như vậy có xu hướng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới, hãng cung cấp thông tin Thomson Financial cho biết.
Năm 2007, nhiều doanh nghiệp cũng đang hướng tới việc mua bán sáp nhập như một cách hữu hiệu để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Năm 2006 vừa qua cũng đã là một năm được mùa của những vụ sáp nhập, với tổng giá trị các thương vụ kiểu này đã vượt quá kỷ lục của thời hoàng kim 2000.
Sở dĩ xu hướng sáp nhập đang ngày càng tăng một phần là nhờ dòng vốn ngày càng tăng của các quỹ đầu tư tư nhân cũng như các công ty đang niêm yết trên các sàn chứng khoán thế giới.
Bên cạnh đó, lãi suất của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới thấp kỷ lục trong năm nay cũng góp phần đẩy các tổ chức, cá nhân rót tiền thêm vào các công ty để nắm giữ cổ phần, cổ phiếu thay cho gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi.
Một nguyên nhân nữa giúp giá trị các vụ sáp nhập trên thế giới phá kỷ lục là do xu hướng cổ phần hoá, tư nhân hoá đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều nước, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển, tạo nguồn hàng dồi dào hơn cho các nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi.
VNN
|