Các hãng đóng tầu chủ chốt của Nhật Bản tăng công suất
Các hãng đóng tầu hàng đầu Nhật Bản, trong đó phải kể đến Kawasaki Heavy Industries Ltd. và Ishikawa-Harima Heavy Industries Co., đang triển khai nỗ lực tăng công suất chế tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Đây sẽ là lần tăng công suất đầu tiên kể từ khi ngành này rơi vào suy thoái hồi cuối những năm 1970.
Các hãng đóng tầu của Nhật Bản đã nhận được một số lượng đơn đặt hàng lớn giao trong những năm tới trong bối cảnh sức cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế được cải thiện sau khi chi phí đóng mới tầu của nước này tăng so với đối thủ Hàn Quốc trong những năm gần đây.
Các hãng trên cũng cho biết, sự sụt giá của đồng yên so với đồng USD và đồng euro trong thời gian gần đây, khiến lợi nhuận của các hãng đóng tầu xuất khẩu tăng mạnh.
Kawasaki Heavy dự định trong 2 năm bắt đầu từ tài khóa 2007 sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ yên (hơn 81 triệu USD) để tăng công suất đóng tầu chạy bằng khí hóa lỏng tại nhà máy của hãng ở tỉnh Kagawa (Nhật Bản). Họ cũng có kế hoạch đầu tư vào một xưởng đóng tầu của Trung Quốc ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Trong khi đó, Ishikawa-Harima đã thông báo kế hoạch bắt đầu lại hoạt động đóng tầu của hãng tại Chita thuộc tỉnh Aichi (Nhật Bản) sau 11 năm tạm ngừng. Hãng sẽ triển khai đóng mới tầu chở quăng sắt tại đây.
Trong tài khóa 2006, Mitshibishi Heavy Industries Ltd., đã bắt đầu thay thế trang thiết bị sản xuất tại 4 trong số các nhà máy của hãng tại các thành phố Kobe, Nagakawa, Yokohama và Shimonoseki thuộc tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản). Hãng này cũng thông báo sẽ đầu tư khoảng 40 tỷ yên (324 triệu USD) để nâng cấp hoạt động từ nay đến tài khóa 2009 (kết thúc ngày 31/3/2010).
Kyodo
|