Gazprom tăng cường mở rộng hoạt động tại Anh
Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom vừa cho biết họ đang tiến gần đến việc đạt thỏa thuận chuyển nhượng với một công ty Anh, theo đó sẽ cho phép Gazprom tạo được vị thế lớn hơn trên thị trường năng lượng Anh. Tuy nhiên, Gazprom từ chối cho biết đó là công ty nào.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pêtécbua ngày 10/6, Phó tổng giám đốc Gazprom Alexander Medvedev bóng gió rằng trong tương lai gần (có thể là cuối tháng này) Gazprom sẽ đi đến thỏa thuận chuyển nhượng với một công ty năng lượng Anh để tăng cường hơn nữa cơ sở khách hàng của Gazprom tại thị trường Anh.
Gazprom từ lâu đã được cho là có ý định mua lại Centrica, tập đoàn năng lượng lớn nhất của Anh đồng thời là công ty mẹ của British Gas, hoặc các công ty Châu Âu khác nhằm tăng cường sự hiện diện của họ tại thị trường khí đốt Châu Âu. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, tuyên bố của ông Medvedev có thể dấy lên những suy đoán về tham vọng của Gazprom trong "dự án Centrica" mà họ đã có kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cũng có khả năng thỏa thuận mà ông Medvedev đề cấp đến là NGSS, một công ty cung ứng khí đốt Anh mà Gazprom hiện đã sở hữu một phần.
Năm 2006, Gazprom đã mua công ty bán lẻ năng lượng Anh Pennine Natural Gas và đang đẩy mạnh kế hoạch ký kết các hợp đồng cung ứng năng lượng với các công ty và tổ chức lớn nhằm mở rộng cơ sở khách hàng của họ tại Anh. Ông Medvedev cho biết, Gazprom hy vọng sẽ tăng thị phần tại Châu Âu từ mức 27% hiện nay lên ít nhất 33% vào năm 2010.
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pêtécbua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Nga là một "điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư nước ngoài", đồng thời bác bỏ khuyến cáo của Thủ tướng Anh cho rằng mối quan hệ Anh-Nga đang xấu đi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ông Putin cho biết, đầu tư của các nước phương Tây vào Nga năm 2006 đạt 41 tỷ USD, tuy nhiên chỉ trong 4 tháng đầu năm 2007, Nga đã thu hút đầu tư nước ngoài tới 60 tỷ USD.
Ngoài ra, ông Putin cũng cho rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch phương Tây cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng thời nhấn mạnh "lợi ích của sự phát triển kinh tế ổn định đòi hỏi phải tạo ra một cấu trúc quan hệ kinh tế quốc tế mới dựa trên cơ sở tin cậy và hội nhập cùng có lợi".
TTXVN
|