EU giảm tiêu thụ năng lượng để tiết kiệm 100 tỷ USD
EU vừa cho biết sẽ đưa ra một loạt biện pháp nhằm cắt giảm 20% tiêu thụ năng lượng của khối này vào năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu dầu khí và điện đang gia tăng trên thế giới.
Theo EC, việc giảm nhu cầu năng lượng sẽ giúp đảm bảo tình hình an ninh năng lượng của khối, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Giảm 20% tiêu thụ năng lượng
Theo kế hoạch, EU sẽ thúc đẩy việc xây dựng những toà nhà, ôtô, máy phát điện và các thiết bị điện có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn. Hiện các nước thành viên EU đang phải nhập khẩu hơn 50% nhu cầu năng lượng sử dụng trong nước và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Năm 2005, các nước EU đã nhập khẩu 56% tổng mức tiêu thụ năng lượng, trong khi sản lượng dầu thô của EU đã giảm 9%, khí đốt tự nhiên giảm 5,8%, than đá 5,7%. Uỷ ban châu Âu (EC) hối thúc các nước thành viên cắt giảm nhu cầu tiêu thụ, đa dạng hóa các nguồn cung và những tuyến đường quá cảnh vận chuyển năng lượng, từ bỏ sử dụng các nhiên liệu hoá thạch vì đó là nguyên nhân gây ra hiện tượng khí hậu nóng lên toàn cầu, cũng như phát triển các loại năng lượng mới và năng lượng tái sinh.
Các quan chức châu Âu kêu gọi các nước thành viên tập trung đầu tư nhiều hơn cho các nguồn năng lượng thay thế và xem xét lại năng lượng hạt nhân. Nếu không thay đổi thói quen tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, đến năm 2030, EU sẽ phải nhập khẩu tới 70% nhu cầu năng lượng. Điều đáng quan tâm là 25% khí đốt nhập khẩu vào châu Âu là từ Nga.
Cho đến nay, nhiều người trong EU vẫn lo ngại về sự lệ thuộc ngày càng lớn vào Nga, nước đang cung cấp 30% năng lượng nhập khẩu của EU, trong đó có 44% lượng khí đốt. Về lâu dài, nhiều khả năng năng lượng hạt nhân sẽ giúp bù đắp nguồn cung khí đốt thiếu hụt hơn là các nguồn năng lượng thay thế khác, nhưng tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí đốt hiện nay ở châu Âu cho thấy các nguồn năng lượng này đều không thể theo kịp.
Cho tới nay các nước EU chưa thực hiện mục tiêu sản xuất ít nhất 12% tổng điện năng từ năng lượng mặt trời, sức gió, các loại thực vật và ông Piebalgs muốn EU xem xét lại nguồn năng lượng hạt nhân mà nhiều nước châu Âu đang muốn loại bỏ. Mặc dù nhu cầu đầu tư ban đầu là khá lớn, nhưng chi phí hoạt động thấp hơn nhiều so với các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và than theo thời giá hiện nay.
Phát triển năng lượng thay thế
Trước mối đe dọa thay đổi khí hậu toàn cầu và nguy cơ không bảo đảm an toàn năng lượng, EU đã đưa ra chiến lược mới về phát triển năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều, năng lượng sinh học... EU đã đầu tư hơn 800 triệu Euro để nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với mục tiêu năng lượng sạch chiếm 12% tổng sản lượng điện của châu Âu vào năm 2010. Chiến lược này của EU được coi là cuộc cách mạng về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất điện. Tuy nhiên, hiện nay, các nguồn năng lượng sạch chỉ chiếm khoảng 6% tổng sản lượng điện của châu Âu.
Năng lượng hạt nhân được nhiều người cho là giải pháp tốt cho vấn đề thiếu hụt năng lượng, nhưng cho dù là nguồn điện lớn nhất trong EU với 13 nước thành viên đang sử dụng, loại năng lượng này vẫn có "tiếng xấu" ở châu Âu. Tại EU, năng lượng hạt nhân được đưa ra thảo luận sôi nổi trong nhiều chương trình nghị sự. Pháp, Italia và Anh không bác bỏ khả năng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và Phần Lan đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Pháp được coi là nước đi tiên phong về năng lượng hạt nhân ở châu Âu, sau khi công bố kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư phục vụ Dự án quốc tế thử nghiệm lò phản ứng nhiệt hạch (ITER) để có thể đi vào hoạt động từ năm 2020. Là nước có sản lượng điện hạt nhân lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, Pháp đang phát huy thế mạnh đó nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống. Là nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất châu Âu, nhưng Đức lại có kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Thuỵ Điển cũng dự định trong vài thập kỷ tới đóng cửa 10 nhà máy điện hạt nhân.
EU đang hối thúc châu Âu tăng sử dụng năng lượng thay thế mặc dù năng lượng sinh học làm từ chất thải và thực vật có chi phí lớn hơn nhiều so với từ dầu mỏ và khí đốt. Điều đáng mừng là năm 2002, sản lượng điện từ các nguồn tự nhiên chiếm 12,9% tổng sản lượng điện của EU và EC muốn nâng tỷ lệ đó lên 21% vào năm 2010.
TBKTVN
|