Trung Quốc triển khai chương trình cung cấp vệ tinh thương mại
Việc Trung Quốc phóng thành công vệ tinh thông tin do mình tự sản xuất lên quỹ đạo cho Nigiêria là sự kiện mở đầu cho việc Trung Quốc sản xuất vệ tinh thương mại và đưa lên vũ trụ theo hợp đồng với nước khác.
Vệ tinh Nigcomsat-1 được phóng lên quĩ đạo bằng tên lửa đẩy Trường chinh 3B vào sáng ngày 14/5. Sự kiện này được đánh giá là một dấu hiệu nữa về sự tăng trưởng sức mạnh của Trung Quốc trong vũ trụ cũng như quyết tâm của nước này nhằm trở thành một trong những cường quốc trên thế giới có thể sử dụng không gian vũ trụ phục vụ lợi ích của Trái đất.
Trung Quốc đã giành được hợp đồng trị giá 311 triệu USD trong năm 2004 sau khi tham gia đấu thầu cùng 21 công ty các nước trên thế giới. Hợp đồng này đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước có thể chế tạo, phóng lên vũ trụ và duy trì hoạt động của vệ tinh cho những nước khác.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc thường phóng vệ tinh cho các nước khác và được coi là có giá cả rẻ hơn nhiều so với những nước có khả năng phóng vệ tinh khác, tuy nhiên, những vệ tinh đó đều được chế tạo ở nơi khác chứ không phải tại Trung Quốc.
Cho tới nay, Trung Quốc đã ký được 30 hợp đồng phóng vệ tinh cho các nước khác. Ngoài ra, việc phóng thành công vệ tinh cho Nigiêria lần này là một biểu trưng cho sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và lục địa Đen. Theo Giám đốc quản lý dự án Nigcomsat-1 của Nigiêria, Hammed Rufai, vệ tinh này sẽ giúp Nigiêria hướng tới một nền công nghiệp dựa trên nền tảng tri thức.
Vệ tinh Nigcomsat-1 sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay và tuổi thọ có thể kéo dài 15 năm. Vệ tinh sẽ được điều khiển bởi một trạm mặt đất ở Abuja, thủ phủ của Nigiêria. Sau khi vệ tinh này đi vào hoạt động, Nigiêria có thể tạo thêm được 150.000 việc làm mới, hệ thống mạng băng thông rộng và điện thoại di động có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu USD mỗi năm, đồng thời các vùng xa xôi hẻo lánh của Nigiêria cũng có thể kết nối với mạng Internet.
Trung Quốc vừa thông qua một kế hoạch 10 năm nhằm mở rộng việc khai thác vũ trụ, trong đó có việc thực hiện thêm các chuyến bay có người điểu khiển vào vũ trụ cũng như các chuyến thám hiểm không người lái tới Mặt trăng và các vùng xa hơn nữa.
TTXVN
|