Tăng trưởng, nợ nần và khủng hoảng: Bài học từ Argentina
Cuộc khủng hoảng nợ toàn diện của Argentina từ cuối năm 2001 rất đáng để chúng ta nghiên cứu. Trước hết, cũng giống như VN hiện tại, Argentina đã có những thành công vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế.
Liên tục trong 10 năm của thập niên 1990, Argentina đã thực hiện các chương trình tái cấu trúc nền kinh tế rất mạnh mẽ, nổi bật nhất là chương trình tư hữu hóa hàng loạt xí nghiệp quốc doanh. Cũng giống như các nền kinh tế đang chuyển đổi hiện nay, việc tư hữu hóa ào ạt, nhất là việc bán chúng cho các ông chủ nước ngoài, bước đầu đã đem lại một lượng dự trữ ngoại tệ khá lớn cho quốc gia này.
Nguồn thu từ chương trình tư hữu hóa cùng với việc vay nợ nước ngoài đã giúp Chính phủ Argentina ổn định giá trị của đồng nội tệ. Tất cả điều này đã làm nền tảng cho các tăng trưởng ngoạn mục sau đó. Thêm vào đó, những thành tựu kinh tế và sự ổn định trong giá trị đồng nội tệ đã dẫn tới một hệ quả đương nhiên, đó là dòng vốn quốc tế chảy ồ ạt vào Argentina.
Những yếu tố đó khiến Argentina được ngợi khen như là một điển hình của sự thần kỳ mới và là một trong những “học trò xuất sắc” được IMF thừa nhận trong các tình huống nghiên cứu, thật không khác gì hiện tại khi VN cũng đang được thế giới xem như là một điển cứu về sự tăng trưởng thần kỳ. Nhưng cùng với cái gọi là thần kỳ đó là ảo tưởng ngủ quên trên chiến thắng.
Chính phủ Argentina đã tận dụng uy tín đang lên của quốc gia để liên tục vay nợ nước ngoài. Đương nhiên mọi lý lẽ lúc bấy giờ đều được lý giải khá hợp lý. Cứ như thế các khoản nợ nước ngoài âm thầm tăng lên dần, bắt đầu là ngưỡng an toàn từ tỉ lệ nợ dưới 50% GDP (35% trong năm 1995 cho đến gần 65% năm 2001). Khoản nợ nước ngoài này dẫn đến hậu quả tai hại là làm chính phủ mất đi sức đề kháng trước những rủi ro trong thâm hụt ngân sách, với suy nghĩ dù gì đi chăng nữa, chính phủ cũng dư sức bù đắp thâm hụt ngân sách bằng nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào và cả... vay nợ nữa. Hiện tỉ lệ nợ của VN cũng ở mức an toàn khoảng 35% GDP, nhưng cũng không thừa nếu như không cảnh báo về một nguy cơ có thể đi vào vết xe mà Argentina đã trải qua.
Theo WB, ngưỡng an toàn đối với các nước đang phát triển là tỉ lệ nợ nước ngoài phải dưới 40%/GDP. Nhưng còn một yếu tố vô cùng quan trọng thường được chính phủ các nước "lờ đi", đó là lãi suất thực phải trả. Nếu tính đến lãi suất thực trong khoảng từ 7-10% thì
đó lại là một khoản nợ khổng lồ (lãi suất trái phiếu Chính phủ VN vay nợ nước ngoài khoảng 6,5%). Nếu quốc gia nào không có tốc độ phát triển thần kỳ thì không thể nào vay nợ ở mức cao như vậy, nhất là vay bằng ngoại tệ mạnh.
Đây là bài học xương máu mà người ta chỉ trả giá bằng thực tế từ cuộc khủng hoảng nợ Argentina. Tỉ lệ nợ nước ngoài của VN năm 2006 là 36,6%, dự báo năm 2007 là 37,2%, nếu tính đến lãi suất phải trả và cả việc đồng Việt Nam có khả năng mất giá trong tương lai thì số thực nợ phải trả là không hề nhỏ, nó không thể lạc quan thái quá như việc một số quan chức Chính phủ cho rẳng tỉ lệ nợ vẫn ở mức an toàn?
Và điều gì đến đã phải đến, ở Argentina hay như bất kỳ quốc gia nào đã từng rơi vào khủng hoảng tài chính, khi mà nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu giảm đi và cùng với đó là các khoản nhập khẩu tăng lên liên tục thì mọi thứ đều dần bộc lộ. Khi kinh tế quá lệ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, khi mà nguồn tài nguyên này cạn kiệt có thể sẽ kéo theo các tan vỡ về những ảo tưởng trước đây.
Thật vậy, từ những năm 1999, Argentina đã bắt đầu gặp phải những mất cân đối trong chi tiêu ngân sách. Do đã tư hữu hóa ào ạt các xí nghiệp quốc doanh trong thời gian trước đó, chính phủ giờ đây đã không còn nguồn thu nào khác ngoài thuế để bù đắp thâm hụt, đó là chưa kể vấn đề còn bị trầm trọng thêm bởi chính phủ liên tục phải trả nợ cho các hóa đơn vay nợ nước ngoài trước đây.
Đối với các nhà tài trợ quốc tế, khi đang còn trong giai đoạn mặn nồng thì điều gì cũng là tốt đẹp, thậm chí ngợi khen hết lời, nhưng khi những bất ổn xảy ra thì sự hủy hoại sẽ đến rất nhanh. Bằng chứng là ngay sau khi Quốc hội Argentina họp khẩn cấp để triển khai cái gọi là “giảm thâm hụt ngân sách xuống bằng không” (zero deficit plan) vào ngày 11-7-2001, các nhà tài trợ quốc tế đã phản ánh rất hài hước về kế hoạch này. Moody's và S&P đã hạ thấp điểm xếp hạng tín nhiệm quốc gia Argentina ngay sau khi quốc hội thông qua kế hoạch hoang tưởng này, các chỉ số niềm tin liên tục sút giảm như một tín hiệu phản ứng trước vụ việc nước đến chân mới nhảy của quốc hội nước này. Thêm vào đó, IMF lại ngưng không hỗ trợ tín dụng cho Argentina, khủng hoảng kinh tế toàn diện là điều tất yếu phải xảy đến sau đó.
Nói ngắn gọn, cuộc khủng hoảng nợ của Argentina, suy cho cùng, nói lên những bất ổn trong hệ thống chính trị (tham nhũng, sự phân chia quyền lực giữa các địa phương trong việc điều tiết các nguồn thu thuế...). Có thể nói một hệ thống chính trị liên quan đến một chính phủ tham nhũng và lãng phí, đã làm thị trường mất niềm tin về khả năng trả nợ của quốc gia đối với những trái phiếu phát hành trước đây, cuộc khủng hoảng nợ được đúc kết đơn giản như thế.
Cuộc khủng hoảng nợ của Argentina chính là bài học về sự ảo tưởng quá mức về những thành công trong tăng trưởng mà quên đi những vấn đề nội bộ. Các vấn đề nội bộ mà từ kinh nghiệm của Argentina, chúng ta cần phải chú ý giải quyết triệt để, đó là tình trạng tham nhũng, cổ phần hóa ào ạt và thất thoát, bộ máy hành thu thuế yếu kém, vay nợ nước ngoài thiếu tính toán. Nhưng vượt lên trên tất cả những điều này, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, chính là việc quốc gia thiếu cơ chế giám sát hữu hiệu các khoản vay nợ nước ngoài, điều mà chúng ta đã thấy ở phần trên về sự phản ứng đầy khôi hài của các nhà tài trợ và người dân về việc quốc hội nước này vào cuộc quá chậm trễ để cứu vãn tình hình.
Chừng nào chưa có cơ chế giám sát hữu hiệu các khoản vay nợ nước ngoài của chính phủ, chừng đó nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện cũng không phải là điều quá xa vời.
TTCT
|