Nhà đầu tư ngoại đã châm ngòi đợt giảm giá chứng khoán
Theo báo cáo mới công bố về tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) nhận định, đợt giảm giá chứng khoán từ 13/3 đến cuối tháng 4 có phần nguyên nhân quan trọng từ bàn tay đạo diễn của các nhà đầu tư nước ngoài.
HSBC cho biết, sau khi chỉ số P/E (tỷ số giữa thị giá và lợi nhuận công ty) đạt 32 lần trong tháng 3, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ra để thu lời khiến các nhà đầu tư trong nước lo ngại và bán tháo cổ phiếu, kết quả VN-Index giảm mạnh.
Thị trường điều chỉnh, giá trị giao dịch hằng ngày ở sàn TP HCM giảm từ 63 triệu USD trong tháng 3 xuống còn 47 triệu USD trong tháng 4. Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện rõ xu hướng thu hồi vốn, tháng 1 họ mua 345 triệu USD, tháng 2 mua 158 triệu USD, tháng 3 có 22 ngày giao dịch thì họ tập trung bán đến 14 ngày, tháng 4 giá trị mua vào khoảng 83 triệu USD.
Ngân hàng này cũng nhận định, blue-chip trên cả hai sàn TP HCM và Hà Nội hiện vẫn đắt đỏ với các nhà đầu tư nước ngoài. Xét các công ty có giá trị thị trường trên 200 triệu USD, chỉ có 3 mã chỉ số P/E nhỏ hơn 30 là REE, Vĩnh Sơn Sông Hinh và Xi măng Bút Sơn.
Theo thống kê, hiện có 46 quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tới 23 quỹ được thành lập từ tháng 11 năm ngoái. Một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài vẫn dè dặt là họ ôm tiền chờ đợi các đợt đấu giá sắp được tổ chức của nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn như Bảo Việt, Vietcombank, BIDV, ICB, MobiFone, VinaPhone.
HSBC cũng nhận xét, tới đây Ủy ban Chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư ngoại đăng ký một hệ thống mã giao dịch chung cho cả cổ phần niêm yết và OTC (giờ hai mã khác nhau) sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục. Tuy nhiên, bằng biện pháp này, cơ quan chức năng có thể trì hoãn các lệnh đăng ký nếu muốn làm chậm lại tốc độ dòng vốn đổ vào hoặc từ chối lệnh đăng ký của các nhà đầu tư bị cho là nhà đầu cơ ngắn hạn.
Đề cập đến triển vọng kinh tế của VN, các chuyên gia HSBC cho rằng tốc độ tăng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt mức 7,8%, giảm so với mức 8,2% trong năm ngoái. Trong quý I, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống 7,7%, thấp hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát lại tăng từ 6,4% trong tháng 1 lên 7,2% trong tháng 4. Tỷ lệ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7,6%, mức thấp nhất kể từ quý II/2004.
VNE
|