Ngân hàng hướng vào các KCN
Các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) trên cả nước ngày càng nhiều. Địa bàn tập trung hàng chục ngàn doanh nghiệp, hàng trăm ngàn nhân công... thực sự là thị trường lý tưởng mà các ngân hàng đang mong muốn hướng tới.
Đại điện Ban quản lý các KCN và KCX TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, hiện Hepza đang quản lý 12 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất với hơn 1.100 doanh nghiệp và sử dụng hơn 250.000 người lao động. Sắp tới, Hepza sẽ quản lý thêm các cụm công nghiệp và các KCN mới xây dựng. Tại các KCN, cả DN và người lao động đều rất cần các hỗ trợ tài chính từ tín dụng đến dịch vụ ngân hàng cá nhân. Với sự tập trung cao về mật độ và quy mô lớn, các KCN cần có sự phục vụ trực tiếp của các ngân hàng và các ngân hàng hoàn toàn có thể nghĩ tới việc thiết kế các dịch vụ dành riêng cho khách hàng trong các KCN, thậm chí là mở chi nhánh tại đây.
Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Thiên Hương, Phó Tổng giám đốc Techcombank nhấn mạnh, cộng đồng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất ngày càng lớn và luôn có nhu cầu vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm “bôi trơn” hoạt động của mình, đặc biệt là các sản phẩm mang tính trọn gói và các sản phẩm hỗ trợ đời sống của cán bộ nhân viên.
Qua khảo sát sơ bộ, chỉ với các sản phẩm, dịch vụ hiện tại ngân hàng đang triển khai cũng đã có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN giải quyết vấn đề vường mắc của mình. Cụ thể, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như cho vay trung dài hạn, thanh toán quốc tế… các ngân hàng còn có các sản phẩm trọn gói, các giải pháp liên kết chuỗi như tài trợ tài chính kho vận trọn gói, dịch vụ tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và cải tiến công nghệ, liên kết các khách hàng đầu vào và đầu ra, tài trợ dự án… các chương trình phục vụ cho người lao động và cán bộ trong khu công nghiệp như bán hàng trả chậm, cho vay tiêu dùng…
Bà Hương cho biết, hiện tại, Techcombank sẽ cùng Hepza hợp tác để giải quyết các vấn đề cần vốn lớn như chuyển dịch cơ cấu, đổi mới công nghệ trong khu công nghiệp, cho vay xây cơ sở hạ tầng nhà máy, xây dựng chung cư cho người có thu nhập thấp... cho đến cung cấp các gói sản phẩm dịch vụ toàn diện cho các cán bộ nhân viên doanh nghiệp mua nhà, tiếp cận các sản phẩm thẻ, tài khoản, cho vay tiêu dùng... giúp DN giải quyết bài toán thu hút nguồn nhân lực.
Phát triển mảng thị trường trong các KCN hiện đang được rất nhiều ngân hàng quan tâm. Nhiều ngân hàng nhất là các ngân hàng quốc doanh đã khá nhanh chân trong việc này với việc mở các chi nhánh tại các KCN lớn và đón đầu tại các KCN mới mở. Các ngân hàng cổ phần cũng đang chuẩn bị cho một cuộc "đổ bộ" vào các KCN trong thời gian ngắn tới. Việc mở chi nhánh cũng là một bước đi cần thiết; tuy nhiên vấn đề quan trọng là cần có những dịch vụ phù hợp với nhu cầu của DN trong các KCN và KCX.
Mới đây, Techcombank đã đạt được hợp tác với Hepza để tấn công vào mảng thị trường này. Theo đó, Hepza sẽ hỗ trợ Techcombank mở rộng mạng lưới tại các khu công nghiệp, khu chế xuất do Hepza quản lý. Trong đó chú trọng ba khu công nghiệp là Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, và tây bắc Củ Chi. Hai bên cũng sẽ cùng hợp tác trong việc xây dựng mô hình Techmart dạng siêu thị công nghệ - kết hợp trọn gói sản phẩm công nghệ cho doanh nghiệp.
Các KCN, KCX và các khu kinh tế đang được thành lập ngày càng nhiều và có tốc độ lấp đầy ngày càng nhanh. Việc đưa dịch vụ ngân hàng vào các KCN, KCX, khu kinh tế là nhu cầu của cả hai bên. Phía các KCN, bên cạnh các chính sách ưu đãi thì các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là một yếu tố mà các KCN đang hoàn thiện nhằm nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầ tư; trong khi phía các ngân hàng thì mong muốn mở rộng thị phần, đa dạng dịch vụ... Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng, sau bước đi ban đầu của Techcombank, thị trường sẽ được chứng kiến sự "đổ bộ" của các ngân hàng vào các KCN mạnh mẽ hơn.
VNN
|