Thứ Bảy, 19/05/2007 16:50

Vay 1 tỉ đôla: đâu phải chuyện để lấy thành tích!

Lần phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế để vay nợ 1 tỉ đôla sắp tới của Chính phủ (dự định vào tháng chín) sẽ được dành cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất 700 triệu đôla; cho dự án thủy điện của Tổng công ty Sông Đà 60 triệu đôla và Tổng công ty Hàng hải VN 240 triệu đôla để mua tàu vận chuyển.

Những lý giải lý thuyết

Giải thích của Bộ Tài chính (BTC) cho đợt phát hành sắp tới tuy có vẻ hợp lý về mặt "lý thuyết", nhưng vẫn còn thiếu thực tế và chưa rõ ràng cho lắm. BTC lý giải nào là các khoản vay đều đã được cân nhắc, đã được xem xét nhiều góc độ vì sao phải đi vay, rằng chính sách vay nợ của VN trước nay đều rất thận trọng với việc lấy hiệu quả là tiêu chí đầu tiên, không vay thương mại cho những dự án không có khả năng hoàn trả.

Có thật là nguồn vốn trong nước không đủ đến mức phải vay nợ nước ngoài? Liệu đây có phải là một “sân chơi” công bằng cho mọi doanh nghiệp? Liệu ba doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được chọn kia thật sự có thành tích kinh doanh hiệu quả? "Ai", cơ chế nào để giám sát sử dụng nợ nước ngoài của các DNNN?

Nhiều người cố tình hướng dư luận tới lầm tưởng rằng do lượng đặt mua của các nhà đầu tư nước ngoài từ lần vay nợ 1 tỉ đôla sắp tới quá cao, nên đã khai thác tối đa khía cạnh này. Sự thật, khi mua trái phiếu Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ quan tâm đến sau đó các khoản vay được giao lại cho ai. Họ cho vay đơn giản bởi dựa trên uy tín của quốc gia. Vì vậy không nên lạm dụng uy tín này nếu các khía cạnh của vay nợ nước ngoài vẫn chưa được nhận diện thấu đáo, toàn cục.

Ngoại tệ thiếu đến mức phải vay nước ngoài?

Nhiều quan điểm cho rằng hiện nguồn vốn bằng đồng đôla đang “nằm ụ” khá dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Do lo ngại áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định không tăng thêm cung ứng tiền mua vào lượng đôla dư thừa, khiến đồng VN lên giá tương đối so với đôla trong thời gian qua. Đây là nguyên nhân bất lợi góp phần làm nhập siêu trong quí 1 quá lớn, tốc độ tăng của nhập khẩu (34%) gấp đôi so với xuất khẩu (18%). Nếu mua hết lượng đôla này (còn trung hòa để lượng tiền tăng thêm không tác động đến lạm phát là vấn đề thuộc kỹ thuật của NHNN), chưa hẳn Chính phủ đã phải đặt vấn đề vay nợ thương mại nước ngoài cho DNNN.

Mâu thuẫn đã rõ, một mặt Nhà nước không dám mua vào lượng đôla trôi nổi, song lại dám đi vay nợ nước ngoài.

Những tính toán còn cho thấy hiện ít nhất NHNN đang quản lý một lượng đôla dự trữ ngoại hối quốc gia khoảng 15 tỉ đô la. Nguồn lực này sẽ được sử dụng như thế nào? Cứ giả dụ là Chính phủ vẫn một mực vay nợ thay các DNNN, thì các qui định hiện hành của nước ta cho phép thực hiện "hoán đổi" như sau:

(1) Đầu tiên ngân sách đứng ra vay 1 tỉ đôla từ NHNN.

(2) Sau đó ngân sách sẽ bán lại ngay lập tức lượng đôla này cho NHNN để nhận về 16.000 tỉ đồng tính theo tỉ giá hiện tại là 1 đôla = 16.000 đồng.

Sau hoán đổi này, ngân sách nhà nước có một khoản vốn tương đương 1 tỉ đôla để "nhượng lại" cho các DNNN nào diễm phúc. Trong thực tế, đôla dự trữ vẫn không thay đổi, chỉ khác là ngân sách nhận nợ và có trách nhiệm hoàn trả từ nguồn thu của DNNN nhận nợ.

BTC đã tham khảo ý kiến NHNN phương án này? Trong đợt phát hành 750 triệu đôla trái phiếu vào năm 2005 và 1 tỉ đôla sắp tới, hầu như không nghe thấy phản biện của NHNN và các bộ ngành khác về cách làm này? Chỉ có BTC là độc diễn.

Điều cuối cùng, vì sao các DNNN không gọi vốn bằng cách phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu trong nước trước khi nghĩ đến phương án vay nợ nước ngoài? Nếu liên hệ với việc Vinashin, đã từng được bảo lãnh vay 750 triệu đôla nợ nước ngoài năm 2005, mới đây tuyên bố phát hành thành công 3.000 tỉ đồng trái phiếu trong nước (với số lượng đặt mua gấp ba lần lượng phát hành) sẽ thấy rằng các DNNN, nếu được nhà đầu tư trong nước đánh giá là “bảnh”, sẽ chẳng cần Chính phủ phải tạm ứng uy tín cho mình.

Nếu tổng cộng mỗi nguồn một ít, kể cả nguồn vốn ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng, có thể không thiếu đến mức phải vay nợ thương mại nước ngoài.

Còn nhiều “chưa rõ ràng” khác

Các DNNN nhận vốn vay hoạt động có hiệu quả như thế nào từ trước đến nay? Sao không thấy BTC công bố thực tế này?

Việc phân bổ vốn vay với lãi suất ưu đãi (các doanh nghiệp khác không thể nhận được mức lãi suất quá thấp này), mà thực chất là một chiêu thức trợ cấp khá kín, có ảnh hưởng gì đến những qui định của WTO? Vấn đề này cần phải được dự báo chính xác trước khi có quyết định chính thức. Trong tương lai, có khả năng kiện cáo từ các thành viên WTO hay không thì còn chờ, nhưng hình ảnh về một sân chơi công bằng mà VN đang tìm mọi cách quảng bá chắc hẳn sẽ bị lu mờ ít nhiều.

Còn một điều hệ trọng nhưng chưa thấy đề cập đến trong phương án phát hành 1 tỉ đôla vay nợ nước ngoài: ai và bằng cơ chế nào để giám sát thường xuyên, chứ không phải định kỳ, việc sử dụng nợ vay của các DNNN? Kiểm toán nhà nước thỉnh thoảng mới viếng thăm, thậm chí chỉ đến khi bể ra như vụ đề án 112 mới được mời vào, lúc đó e là đã quá muộn.

Kết luận

Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có những đánh giá tích cực về uy tín của Chính phủ khiến nếu như có đặt vấn đề vay nợ nước ngoài cũng là điều hợp lý, lãi suất vay nợ vì vậy có thể ở mức thấp hơn so với lần phát hành 750 triệu đôla trái phiếu vào năm 2005.

Nhưng nếu bằng mọi giá phải vay nợ nước ngoài, tại sao đối tượng được thụ hưởng không phải là để phát triển hạ tầng công nghệ trên thị trường tài chính hay thị trường chứng khoán? Đây lại là điều tối quan trọng để thị trường tài chính VN cất cánh hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế. Tại sao nhất nhất lúc nào cũng phải nghĩ đến mỗi khu vực DNNN?

Có vẻ như niềm phấn khích về uy tín của một VN đang lên đã dẫn đến xu hướng lạm dụng mọi giá uy tín quốc gia, cốt chỉ để ưu ái cho khu vực DNNN, chứ chưa hẳn đứng trên lợi ích toàn cục.

Vay nợ kiểu VN như thế này khiến dễ liên tưởng đến căn bệnh thành tích trầm kha ở nước ta, và không khéo lại lan nhiễm sang cả câu chuyện về vay và trả nợ nước ngoài (thành tích vay nợ thì có để mà khoe nhưng còn hậu quả thì con cháu lãnh đủ). Để tránh những lạm dụng như thế trong tương lai, các phương án vay nợ thương mại nước ngoài nếu như chỉ để bàn giao lại cho khu vực DNNN cần phải được Quốc hội thông qua.

TTCT

Các tin tức khác

>   Incombank và TKV trở thành đối tác chiến lược (19/05/2007)

>   Kiến nghị xử lý trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng (19/05/2007)

>   Giá vàng đang xuống dốc (18/05/2007)

>   Giảm 50% thuế suất đối với hàng nhập từ Lào (18/05/2007)

>   “Chắc chắn sẽ có cải tổ Ngân hàng Nhà nước” (18/05/2007)

>   Ngân hàng con 100% vốn ngoại: “Chúng tôi đã sẵn sàng” (18/05/2007)

>   Khởi tố 2 cán bộ Agribank làm lỗ 500 tỉ đồng (18/05/2007)

>   Sẽ có sàn giao dịch vàng theo phương thức khớp lệnh liên tục (18/05/2007)

>   Cty Kiểm toán Việt Nam (VACO) hoàn thành việc chuyển đổi sở hữu (17/05/2007)

>   Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm tăng mạnh vốn điều lệ (17/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật