"Mua" năm công tác ở Bệnh viện Bình Dân: Người mua hoang mang, "cò" chạy trốn
Trước thông tin đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân chưa trình Chính phủ, những người lỡ "mua" năm công tác của bác sĩ bắt đầu hoang mang. Trong khi đó, "cò cổ phần" vẫn ra sức trấn an người mua.
Thời gian qua, khi báo chí đưa tin Chính phủ giao cho UBND TP.HCM lập đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân thì lập tức những tay đầu cơ cổ phiếu vào cuộc. Việc cổ phần hóa còn chưa đâu vào đâu nhưng bên ngoài các nhà đầu tư đã có sẵn trong tay hàng chục ngàn quyền mua cổ phần của bệnh viện này.
Mới đây, trong cuộc hội thảo về cổ phần hóa các bệnh viện công trên toàn quốc, ông Phạm Viết Muôn - Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ chưa hề phê duyệt, thậm chí chưa nhận được đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân và đề án này có thể bị bác bỏ. Từ thông tin này, các nhà đầu tư đã lỡ ôm quyền mua cổ phần Bệnh viện Bình Dân đang ở trong tình trạng bán thì không ai mua, giữ lại thì không yên tâm.
"Cò" vẫn rao bán
Tại hội thảo nói trên, nhiều đại biểu đã xác nhận TP.HCM vẫn chưa trình đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân lên Chính phủ. Thông tin rõ ràng như vậy nhưng ngoài thị trường "cò" vẫn rao bán cổ phần bệnh viện này. Chị Nguyễn Thị T. ở quận 4 vẫn còn đoan chắc như đinh đóng cột là bệnh viện này sẽ cổ phần hóa và đưa ra cả danh sách cán bộ, công chức bệnh viện này được mua cổ phần. Nhưng khi được hỏi về hình thức mua bán thì chị T. nói chỉ dùng giấy tay và "tin nhau" thôi.
Thông qua chị T., chúng tôi đã gặp điều dưỡng M. (Bệnh viện Bình Dân) nhưng cô này cho biết cũng chỉ mới nghe lãnh đạo bệnh viện "hứa" sẽ bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên. Theo chị M., mỗi năm công tác sẽ được mua 100 cổ phần ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công khi bán cổ phần ra công chúng. Chị M. cũng cho biết nếu chúng tôi muốn "mua" năm công tác của chị thì cứ thỏa thuận với "cò".
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay các nhà đầu tư đã lỡ ôm quyền mua cổ phần đang rất hoang mang. Bà Trần Thị Vân có mặt ở sàn SBS cho biết bà đã mua 2.000 quyền mua cổ phần BV Bình Dân với giá 90.000 đồng/cổ phần cách đây hơn một tháng. Bà cho biết khi mua bán, "cò" đưa cho bà coi danh sách bác sĩ với số năm công tác cụ thể. Họ còn đưa cả thẻ bác sĩ cho bà coi. "Sau khi đọc báo tôi mới biết chưa có phương án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân nên tá hỏa đi tìm "cò" để bán lại nhưng anh ta cứ nhất định đảm bảo sẽ cổ phần hóa và cũng không mua lại hàng đã bán" - bà Vân nói.
Tại cổng Bệnh viện Bình Dân, cánh xe ôm cho biết trước đây ngày nào cũng có người đến hỏi mua cổ phần nhưng mấy ngày gần đây không còn thấy ai hỏi mua nữa. Theo anh xe ôm này, lúc trước các "cò" đứng trực sẵn ở cổng bệnh viện, khi có người hỏi mua họ liền dắt nhau ra quán cà phê để giao dịch.
Tuy nhiên, các đầu mối chuyên "cò" chứng khoán ở TP.HCM đã từ chối không mua bán cổ phần này. Một "cò" cho biết khi thấy báo đăng chưa có phương án cổ phần hóa là người ta đổ xô đi bán. Nhưng thời điểm hiện nay thì chẳng ai dại gì mà rước vào. Anh này còn khuyên chúng tôi hãy ôm và chờ đợi, còn nếu bệnh viện không cổ phần hóa thì coi như đó là tiền... học phí chứng khoán.
Giá vẫn... trên trời
Không phải ai cũng nhanh nhạy trước những thông tin kể trên. Chúng tôi gặp anh Trần Phương Bình ở một quán cà phê trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình để hỏi mua cổ phần Bệnh viện Bình Dân. Anh này cho biết đang có quyền mua 2.800 cổ phần, phải được giá 120.000 đồng/cổ phần anh mới bán. Chúng tôi thử trả giá 40.000 ngàn đồng/cổ phần nhưng anh Bình không bán.
Qua tìm hiểu, được biết sở dĩ anh này hét giá cao như vậy là vì những thông tin mấy ngày qua về chuyện cổ phần hóa bệnh viện công dường như anh mù tịt. Tình trạng phớt lờ để hét giá cũng diễn ra tương tự trên một số website. Trên mạng web "mangotc.com", một số nhà đầu tư cũng đang rao bán cổ phần Bệnh viện Bình Dân. Một nhà đầu tư ở địa chỉ genman 9999 @ yahoo.com rao bán 2.300 cổ phần, giá 140.000 đổng/cổ phần. Khi chúng tôi liên hệ để hỏi mua thì nhà đầu tư này đòi đúng giá kể trên, không bớt một đồng.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán, hiện nay nhà đầu tư mua năm công tác Bệnh viện Bình Dân gặp nhiều rủi ro, bởi lẽ nếu đề án cổ phần hóa đơn vị này không được thông qua thì nhà đầu tư mua bán bằng hợp đồng miệng và giấy tờ tay xem như mất trắng.
Thanh niên
|