Kinh Đô “tấn công” sang địa ốc
Ngày 21/5, Công ty Cổ phần Kinh Đô công bố: năm 2007, công ty sẽ phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề với cơ cấu đầu tư 70% tập trung chuyên về thực phẩm và 30% tham gia các hoạt động đầu tư bất động sản.
Theo Hội đồng Quản trị Công ty Kinh Đô, trong năm 2007, Kinh Đô có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 dự án bất động sản ở Tp.HCM.
Thứ nhất là dự án cao ốc văn phòng Lê Lợi (đối diện với chợ Bến Thành) với mục đích làm Hội sở của Kinh Đô. Dự án cao ốc này có diện tích đất 5.600 m2, 45 tầng, 4 tầng hầm, trong đó dự kiến gần 40 tầng sẽ cho thuê làm văn phòng. Như vậy, dự án này sẽ vừa giải quyết được nhu cầu giao dịch, vừa mang lại hiệu quả cao cho Kinh Đô từ hoạt động kinh doanh địa ốc (cho thuê làm văn phòng).
Bên cạnh đó còn có một hiệu quả vô hình, đó là “Tòa nhà Kinh Đô” tọa lạc tại vị trí này sẽ là phương tiện nhanh và hiệu quả để quảng bá hình ảnh của Kinh Đô.
Thời gian dự kiến tiến hành thủ tục đầu tư và xây dựng hoàn thành trong 3 năm. Diện tích sàn xây dựng 171.080 m2, trong đó diện tích tầng hầm là 7.280 m2, diện tích văn phòng là 163.800m2, diện tích sàn khai thác 131.040m2. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp phép đầu tư. Tổng vốn đầu tư 2.656 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu là 1.328 tỷ đồng (Công ty Cổ phần Kinh Đô góp 70% tương đương 930 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn dự kiến 7 năm 11 tháng, NPV dự án ước đạt 1.648 tỷ đồng, IRR đạt 18%.
Dự án thứ hai là dự án căn hộ Thủ Đức với mục đích khai thác lợi thế mặt bằng 6 ha tại Thủ Đức sau khi Nhà máy Kinh Đô hiện nay tại 6/134 quốc lộ 13, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức sẽ chuyển đến địa điểm mới đang được xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, dự kiến trong quý III/2007.
Sau khi di dời, khu đất 51.422m2 tại Thủ Đức sẽ được đầu tư xây dựng thành khu nhà ở cao tầng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như hệ thống điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, giao thông, công viên cây xanh, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội...
Các căn hộ trong dự án này, một phần dành ưu tiên cho cán bộ, nhân viên của Công ty Kinh Đô có nhu cầu về nhà ở, một phần làm quỹ tái định cư cho các dự án do Kinh Đô làm chủ đầu tư tại Tp.HCM, số còn lại sẽ đưa vào kinh doanh thu hồi vốn. Dự kiến tiến hành thủ tục đầu tư và xây dựng hoàn thành trong 3 năm 10 tháng.
Dự án có tên là Khu nhà ở cao tầng Hiệp Bình Phước. Khu nhà ở gồm 17 đơn nguyên, cao từ 14-20 tầng, vốn đầu tư dự kiến 1.071 tỷ đồng, trong đó vốn của chủ đầu tư là 360 tỷ đồng, Kinh Đô chiếm 70%, tương đương 252 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng 1.811 căn hộ (236.620 m2), diện tích sàn xây dựng: 236.620 m2, công trình công cộng 7.500m2, hạ tầng kỹ thuật 49.805m2, diện tích sàn khai thác 244.120m2, NPV dự án dự kiến đạt hơn 508 tỷ đồng, IRR dự kiến đạt 142%.
Ngoài ra, còn nguồn lợi nhuận thu được từ chênh lệch việc đánh giá lại giá trị đất từ thời điểm mua đến thời điểm đưa vào thực hiện dự án hơn khoảng 250 tỷ đồng.
Dự án thứ ba là Cộng Hòa Complex Plaza, tọa lạc tại số A41 Cộng Hòa, Tân Bình, Tp.HCM. Tòa nhà là một phức hợp bao gồm nhiều block văn phòng, khu thương mại và căn hộ cao cấp. Dự kiến tiến hành thủ tục đầu tư và xây dựng hoàn thành trong 3 năm 6 tháng. Diện tích xây dựng 143.138 m2, trong đó diện tích tầng hầm là 19.909m2, diện tích sàn là 123.229m2.
Tổng vốn đầu tư 911 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư được tài trợ từ vốn chủ sở hữu là 300 tỷ đồng (Công ty Cổ phần Kinh Đô góp 30% tương đương 90 tỷ đồng). Các năm sau, nguồn vốn đầu tư được hỗ trợ từ nguồn thu tiền thuê văn phòng, bán và cho thuê căn hộ và nguồn vốn vay dài hạn từ ngân hàng. Thời gian hoàn vốn dự kiến 4 năm 2 tháng, NPV dự án ước đạt 410 tỷ đồng, IRR đạt 41%.
Ngoài ra, trong năm 2007, nhà máy sản xuất bánh kẹo của Kinh Đô tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore Bình Dương dự kiến sẽ đi vào hoạt động với tổng chi phí đầu tư lên đến 385 tỷ đồng, trong đó vốn tự có được nâng từ 100 lên 200 tỷ đồng (KDC góp 80%, tương đương 160 tỷ đồng). Hiệu quả dự án ước tính có NPV (15 năm) đạt 223 tỷ đồng, IRR đạt 26%, thời gian hoàn vốn dự kiến 7 năm 2 tháng.
Mặt khác, dự án còn được hưởng ưu đãi thuế với thời gian miễn thuế trong 3 năm đầu, hưởng thuế suất 7,5% trong 7 năm tiếp theo và 15% cho các năm còn lại. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến Kinh Đô thu được từ dự án nhà máy ước đạt 333 tỷ đồng và 22 tỷ đồng trong năm 2008, 666 tỷ đồng và 114 tỷ đồng/năm trong những năm hoạt động đã đi vào ổn định.
Ban giám đốc Kinh Đô cũng công bố kết quả kinh doanh đã kiểm toán năm 2006: lợi nhuận sau thuế 170,67 tỷ đồng, đạt 180% so với năm 2005. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) phản ánh mức sinh lời của công ty trong năm 2006 tăng cao hơn năm 2005 (29,16%>19,20%) và cao hơn mức trung bình toàn thị trường (20,55%-nguồn SSI), đặc biệt mức lợi nhuận sau thuế trên vốn cổ phần đạt 56,89%, tăng mạnh so với năm 2005 trong khi mức lãi gộp trên doanh thu giảm so với 2005, cho thấy hiệu quả trong việc sử dụng vốn của công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2006.
Kế hoạch 2007, Kinh Đô sẽ đạt doanh thu tăng 29,3% và lợi nhuận tăng 42,3% so với năm 2006.
TBKTVN
|