Chạy đua mở công ty CK, cày chung hay khai phá?
Đầu năm 2006, Việt Nam chỉ có 14 công ty chứng khoán (CTCK) hoạt động phục vụ cho khoảng 20.000 tài khoản chứng khoán được mở. Cuối năm 2006, số tài khoản đạt đến con số 100.000 (hiện nay số tài khoản ước lượng tăng gấp 10 lần đầu năm 2006), còn số CTCK đã lên đến 55 công ty được cấp phép thành lập. Sắp tới, con số này có thể tăng lên trên 100 và đâu là hướng đi hợp lý cho các CTCK?
Cầu tăng, cung tăng - Xu thế tất yếu
Một quy luật cơ bản trong kinh tế thị trường là luật cung cầu, và thị trường dịch vụ phục vụ cho lĩnh vực chứng khoán cũng không ngoại lệ. Đại diện một CTCK cho biết, nhu cầu đầu tư chứng khoán tăng lên là có thật, thị trường dịch vụ của các CTCK vì vậy rất đa dạng và rộng mở nên việc hàng loạt tổ chức, cá nhân muốn lập thêm CTCK là chuyện tất yếu. Thật vậy, số tài khoản chứng khoán tăng gấp 10 lần trong 1 năm rưỡi qua trong khi lượng CTCK lập mới chỉ tăng gấp 4 lần.
Theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 80% số tài khoản là của các nhà đầu tư cá nhân trong nước, đối tượng dễ phục vụ nhưng lại khó giữ chân nên đây cũng là một cơ hội lớn cho các CTCK mới.
Không chỉ đua thành lập CTCK mới, những CTCK cũ cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm vị trí để mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch. Đại diện của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết để tìm được một địa điểm đẹp, đủ rộng để lập sàn giao dịch trong khu vực trung tâm TPHCM hoặc Hà Nội đều rất khó khăn.
Hiện nay, các CTCK ngoài trụ sở chính thì chỉ cố gắng góp mặt được ở 2 thành phố trên, trong khi lập thêm các điểm giao dịch mới trải rộng khắp cả nước chưa được đầu tư thỏa đáng. Một nhà đầu tư cũng đã từng hỏi thẳng người viết bài này là tại sao một thành phố lớn, nhiều tiềm năng như Cần Thơ lại không có một CTCK nào “ghé chân” xuống? Không chỉ riêng thành phố này mà thực tế cả nước hiện chỉ có nhà đầu tư ở vài nơi như Bình Dương, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Hải Phòng là có được “diễm phúc” mở tài khoản trực tiếp của CTCK địa phương, còn lại đều phải “cuốn gói” đến Hà Nội và TPHCM nếu muốn mua cổ phiếu trên sàn.
Mặc dù số CTCK tăng theo nhu cầu của nhà đầu tư, nhưng điều này vẫn để lại mặt trái của nó. Trong hơn 50 CTCK đang hoạt động, chỉ 5 CTCK hàng đầu là Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán Ngoại Thương (VCBS), Chứng khoán Á Châu (ACBS) và Chứng khoán Sacombank (SBS) đã chiếm hơn 80% thị phần môi giới.
Mảnh đất tưởng chừng như màu mỡ nhưng thực chất lại rất bé và phải chia sẻ với 50 công ty tranh nhau tìm chỗ đứng. Đó là chưa kể đặc tính của TTCK Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân dù có thể áp đảo cả tổ chức về lực và lượng nhưng lại chưa được trang bị đủ kiến thức cần thiết. Để phục vụ được đối tượng khách hàng dễ “dở chứng” này, CTCK ngoài việc tăng cường chất lượng dịch vụ cũng cần phải cạnh tranh cả về uy tín thương hiệu. Như các đại gia ở trên, bất kể thị trường tốt hay xấu, hiện số tài khoản mở thêm tại các CTCK này vẫn tăng lên đều đặn nhờ thương hiệu đã được nhà đầu tư biết đến và tin tưởng.
“Khó thở” và “ngộp thở”
Cuộc đua thị phần chưa chấm dứt, các CTCK lại đứng trước bài toán về mở rộng mạng lưới. Hiện các CTCK chỉ đua nhau băm xẻ “từng mét vuông” đất tại quận 1, TPHCM hay tại quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng ở Hà Nội để mở sàn giao dịch nhưng lại bỏ quên những nơi khác.
Theo thống kê của Vietstock, trong 5 CTCK hàng đầu hiện nay thì hết 4 công ty nằm trong nhóm 7 đơn vị tiên phong được thành lập từ năm 2000 trở về trước. Những đơn vị đi trước luôn có lợi thế khai thác thị trường cao nhất. Nếu nhà đầu tư tại các tỉnh cũng đang bị chứng khoán thu hút, thì việc các CTCK bỏ bê chưa khai thác để chen nhau... “thở” trong 2 thành phố “nóng” có thể làm những ai sức yếu dễ “ngộp thở”. Không đi đầu được tại đây thì việc làm người tiên phong ở các tỉnh thành nhiều tiềm năng chẳng lẽ lại bỏ qua?
Việt Nam đang hình thành một phố Walls tại đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM. Sự tập trung là cần thiết nhưng việc mạng lưới dịch vụ chứng khoán lại bó hẹp trong một khu vực nhất định là cơ hội lớn cho các CTCK sinh sau đẻ muộn. Hàng chục CTCK nữa sắp ra đời và việc họ lựa chọn “cày chung miếng ruộng” hay “khai phá miền đất mới”, tạo hướng đi riêng sẽ ảnh hưởng đến sự cân đối chung của toàn thị trường. Và tất nhiên điều đó cũng gắn liền với lợi ích của nhà đầu tư và khả năng quản lý, điều phối của các cơ quan quản lý, Chính phủ.
TƯỜNG CHÂU/SGGP
|