Giá tham chiếu phiên đầu tiên là giá nào?
Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM vừa ban hành quy định giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu niêm yết không được vượt quá 20% so với giá dự kiến.
Quy định này đang làm cho các nhà đầu tư và các công ty chuẩn bị niêm yết rất bức xúc và thắc mắc bởi vì từ trước đến nay, giá ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu niêm yết là giá khớp lệnh theo cung cầu thị trường.
Theo quy định của Bộ Tài chính (Thông tư 58/2004/TT-BTC, ban hành năm 2004) hướng dẫn về thành viên và giao dịch chứng khoán, giá tham chiếu được xác định: giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất.
Trường hợp cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư mới được niêm yết, trong ngày giao dịch đầu tiên trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc sở giao dịch chứng khoán chỉ nhận lệnh giới hạn, không áp dụng biên độ dao động giá và chỉ khớp lệnh một lần. Nếu trong lần khớp lệnh đầu tiên không có giá khớp lệnh thì được phép nhận lệnh tiếp trong đợt khớp lệnh tiếp theo. Mức giá của lần khớp lệnh này sẽ làm giá tham chiếu cho ngày giao dịch kế tiếp. Biên độ dao động giá được áp dụng từ ngày giao dịch kế tiếp.
Trường hợp chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch trên 30 ngày khi được giao dịch trở lại thì giá tham chiếu được xác định tương tự như trên. Trường hợp giao dịch chứng khoán không được hưởng cổ tức và các quyền kèm theo, giá tham chiếu tại ngày không hưởng quyền được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất điều chỉnh theo giá trị cổ tức được nhận hoặc giá trị của các quyền kèm theo. Trường hợp tách hoặc gộp cổ phiếu, giá tham chiếu tại ngày giao dịch trở lại được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày tách, gộp điều chỉnh theo tỷ lệ tách, gộp cổ phiếu.
Như vậy, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã ban hành quy định trái ngược với thông tư của Bộ Tài chính bởi vì đưa ra mức khống chế trần 20% trong khi Bộ Tài chính quy định “cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư mới được niêm yết, trong ngày giao dịch đầu tiên... không áp dụng biên độ dao động giá”. Điều gây bức xúc nhất là mức giá dự kiến là mức giá nào?
Theo đại diện của ủy Ủy ban Chứng khoán, tại Việt Nam, việc phát hành lần đầu và niêm yết trên thị trường chứng khoán có một khoảng thời gian khá dài nên giá dự kiến của phiên giao dịch đầu tiên sẽ khác. Mức giá dự kiến này không phải là mức giá khởi điểm mà các doanh nghiệp cổ phần hóa đưa ra trong đợt đấu giá cổ phiếu lần đầu (IPO), cũng không phải là mức giá đấu thành công trong đợt phát hành lần đầu. Mức giá dự kiến trong phiên giao dịch đầu tiên của doanh nghiệp niêm yết là mức giá do tổ chức tư vấn và tổ chức niêm yết xác định. Trong bản cáo bạch, công ty niêm yết và công ty chứng khoán tư vấn chỉ cần nêu ra phương pháp xác định giá dự kiến và những căn cứ cho việc xác định mức giá dự kiến đó.
Chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán tại Tp.HCM nhận định: lý do mà Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đưa ra mức khống chế 20% là vì lo ngại những “đại gia” sau khi mua được số lượng lớn cổ phiếu qua IPO với mức giá gần sát giá đấu thành công thấp nhất sẽ “làm giá” bằng việc tạo ra cung cầu giả tạo để đẩy giá khớp lệnh phiên đầu tiên theo cung cầu lên mức rất cao so với giá đấu thành công bình quân và vượt qua giá trị thực của cổ phiếu, những phiên sau đó, các “đại gia” này sẽ từ từ bán ra kiếm lời rất lớn.
Bằng chứng rõ nhất là giá cổ phiếu của Công ty phát triển Nhà Thủ Đức, phiên chào sàn giá được đẩy lên 300.000 đồng/cổ phiếu, sau đó liên tục giảm và phiên ngày 24/4 chỉ còn 182.000 đồng/cổ phiếu.
Một số nhà đầu tư thắc mắc, quy định mức giá dự kiến phiên giao dịch đầu tiên do công ty niêm yết và công ty chứng khoán tư vấn xác định và họ chỉ cần nêu ra phương pháp xác định giá dự kiến và những căn cứ cho việc xác định mức giá dự kiến đó là rất chung chung, không rõ ràng và thống nhất. Phương pháp xác định giá dự kiến và những căn cứ cho việc xác định mức giá dự kiến sẽ được các công ty chứng khoán (nhà tư vấn) và công ty niêm yết hiểu như thế nào?
Và do đó, mỗi công ty niêm yết sẽ đưa ra phương pháp và những căn cứ rất khác nhau, chẳng theo một nguyên tắc nào cả. Rất có thể những cổ đông lớn trong công ty niêm yết sẽ quyết định mức giá dự kiến có lợi nhất cho mình và làm thiệt hại đến lợi ích của nhiều cổ đông nhỏ.
Do đó, cần phải có ý kiến chính thống của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và cả lời giải thích của các công ty tư vấn để các nhà đầu tư biết cụ thể và rõ ràng về việc xác định mức giá dự kiến trong ngày giao dịch đầu tiên của công ty vừa được phép niêm yết.
TBKTVN
|