Vụ khiếu kiện đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông:
FPT làm mất thư điện tử- đòi bồi thường 1 triệu USD
Công ty Việt Mỹ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ khôi phục lại những thông tin dữ liệu trên 10 e-mail đã bị mất, nếu không khôi phục được phải bồi thường 1 triệu USD. Để đòi quyền lợi, Công ty Việt Mỹ đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh để kiện FPT Telecom.
Tháng 10/2005, Công ty Cổ phần quảng cáo thương mại Việt Mỹ, địa chỉ số 75 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt Công ty Việt Mỹ) ký hợp đồng thuê dịch vụ Hosting của Công ty Cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom). Đây là dịch vụ lưu trữ website và sử dụng e-mail theo tên miền, nôm na là lưu trữ thông tin của khách hàng trên mạng Internet. Ngày 6/2/2007, toàn bộ hệ thống e-mail của Công ty Việt Mỹ bị kẹt mạng và ngày hôm sau, khi truy cập mạng, tất cả các thông tin dữ liệu của 10 e-mail bị mất sạch. Ông Phan Quý Ngà - Tổng giám đốc Công ty Việt Mỹ - cho biết, những thông tin lưu trữ trên e-mail của công ty bị mất đã làm cho công việc kinh doanh gián đoạn, ngoài việc mất uy tín với khách hàng, mức thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Sau khi sự cố xảy ra, Công ty Việt Mỹ cho biết, công ty này đã nhiều lần liên hệ với FPT Telecom để khắc phục sự cố mạng và bồi hoàn mức thiệt hại, nhưng phía FPT Telecom đã thiếu thiện chí trong việc thực hiện. Phía Công ty Việt Mỹ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ khôi phục lại những thông tin dữ liệu trên 10 e-mail đã bị mất, nếu không khôi phục được phải bồi thường 1 triệu USD.
Ông Mai Xuân Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm trực tuyến của FPT Telecom - cho biết: “Với thiện ý khắc phục thiệt hại và nỗ lực để 2 bên hợp tác lâu dài, công ty chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc để khắc phục sự cố trên. Cụ thể ngày 22/3, FPT Telecom đã gửi văn bản đề xuất “miễn phí dịch vụ Hosting 30 ngày (tính từ ngày hết hạn hợp đồng đã ký), tăng dung lượng Hosting lên gấp đôi (400 MB) trong thời gian 1 năm tính từ ngày hết hạn hợp đồng và giảm 20% giá trị phụ lục hợp đồng cho gia hạn năm kế tiếp, nhưng Công ty Việt Mỹ đã từ chối. Ngày 31/3, FPT Telecom gửi tiếp văn bản đề xuất, không thu phí dịch vụ 1 năm với giá trị 6 triệu đồng, phía Việt Mỹ vẫn không chấp nhận”.
Theo ông Khôi, yêu cầu của Việt Mỹ là hoàn toàn không hợp lý với các lý do: Nội dung của các hòm thư nói chung hay nội dung thư là các thông tin cá nhân của từng người, bản thân nhà cung cấp dịch vụ như FPT Telecom không được can thiệp vào nội dung. Nội dung thư điện tử do người dùng tự quản lý; vai trò của nhà cung cấp dịch vụ là đảm bảo hệ thống thuê thông suốt không bị gián đoạn đến tay người tiêu dùng và người tiêu dùng có trách nhiệm bảo quản thư. Tuy nhiên, ông Ngà lại cho rằng, FPT Telecom đã bội tín với Công ty Việt Mỹ vì trong điều 5 của bản hợp đồng, trách nhiệm của FPT Telecom ghi rõ nhà cung cấp dịch vụ “chịu trách nhiệm về việc bảo đảm tính bảo mật về hệ thống, an toàn về cơ sở dữ liệu và tính hoạt động thông suốt”.
Tính đến đầu năm 2007, số thuê bao sử dụng dịch vụ Hosting của FPT Telecom có trên 1.100 khách hàng. Ông Khôi khẳng định, sự cố gián đoạn hệ thống e-mail ngày 6/2 đã làm ảnh hưởng đến gần 100 công ty cùng hệ thống, trong đó có Công ty Việt Mỹ. Đây là sự cố rất hiếm gặp và rủi ro hoàn toàn do khách quan, nằm trong số 1% hy hữu. Nguyên nhân xảy ra sự cố là do lỗi ổ cứng của máy chủ bị hư vật lý. Việc hư vật lý của phần cứng là không thể lường trước được, bởi những thiết bị được các nhà sản xuất kiểm tra rất kỹ trước khi xuất xưởng. Do vậy đây là trường hợp bất khả kháng lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam và hiếm khi xảy ra. Sự cố nằm ngoài sự kiểm soát và kế hoạch dự phòng của FPT Telecom.
Hiện nay, FPT Telecom nhờ các chuyên gia của các hãng sản xuất ổ cứng khôi phục miễn phí lại dữ liệu cũ, nhưng do ổ cứng bị hư vật lý nên xác suất khôi phục lại dữ liệu rất thấp. Ông Khôi cũng cho biết thêm, sự cố làm mất dữ liệu lưu trữ trên e-mail vừa rồi là do FPT Telecom đã sử dụng ổ cứng (máy chủ) hơn 1 năm, trong khi các nhà sản xuất máy tính đã khuyến cáo, ổ cứng máy chủ để cung cấp dịch vụ lưu trữ thông tin trên mạng thời hạn sử dụng an toàn không quá 6 tháng.
Để đòi quyền lợi, Công ty Việt Mỹ đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh để kiện FPT Telecom.
Thương Mại
|