Cổ phiếu OTC vào khuôn phép
Theo dự thảo đề án quản lý thị trường OTC, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu sẽ thực hiện đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký. Nhà đầu tư sẽ mở tài khoản tại các công ty chứng khoán và thực hiện theo hai phương thức.
Trường hợp muốn mua hoặc bán cổ phiếu mà chưa tìm được khách, nhà đầu tư sẽ đăng ký rao bán, rao mua qua công ty chứng khoán, lệnh mua bán sẽ được chuyển lên hệ thống giao dịch của Trung tâm Hà Nội, hai bên có thể truy cập hệ thống để tìm đối tác. Trường hợp nhà đầu tư đã tìm được khách mua hoặc bán cổ phiếu sẽ tự thỏa thuận giá cả, thông báo với công ty chứng khoán, giao dịch sẽ được chuyển lên trung tâm Hà Nội và cơ quan này sẽ thông báo qua trung tâm lưu ký để thực hiện bù trừ chứng khoán và làm thủ tục chuyển tên.
Trường hợp nhà đầu tư mua bán chứng khoán không muốn chuyển quyền sở hữu thì không cần thông báo đến trung tâm Hà Nội nhưng giao dịch không được công nhận pháp lý.
Phó giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết, với quy mô lên tới hàng nghìn công ty, hệ thống giao dịch cổ phiếu OTC sẽ vận hành độc lập với hệ thống giao dịch cổ phiếu đang niêm yết trên sàn. Để đáp ứng lượng công việc khổng lồ, trung tâm dự kiến tuyển thêm 40 công chức bổ sung cho đội ngũ nhân lực 70 người hiện nay. Riêng mảng OTC sẽ do một phó giám đốc trung tâm trực tiếp quản lý và điều hành.
Hiện nay mua bán cổ phiếu chưa niêm yết chủ yếu theo phương thức thỏa thuận và được công ty chứng khoán hoặc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu xác nhận thủ tục chuyển quyền, tách sổ cổ đông. "Khi thực hiện phương thức giao dịch mới, các công ty trên sẽ không có chức năng chuyển quyền sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư, thay vào đó sẽ thông qua TTGDCK Hà Nội và trung tâm lưu ký chứng khoán", ông Trung nhấn mạnh.
Đề án quản lý thị trường OTC đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan. Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, đơn vị đầu mối thực hiện quản lý giao dịch cổ phiếu OTC, cũng đã nhận được yêu cầu soạn thảo văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện giao dịch cổ phiếu qua thị trường OTC.
Khi xây dựng văn bản hướng dẫn giao dịch trên thị trường OTC, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội tham khảo kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là sàn Nasdaq của Mỹ. Theo mô hình ở các nước trên thế giới, cổ phiếu OTC vẫn được giao dịch như cổ phiếu niêm yết trên sàn. Hoạt động giao dịch mua, bán cổ phiếu của nhà đầu tư được thực hiện trên sàn OTC theo phương thức thoả thuận. Sàn OTC sẽ có số điểm khác biệt về cách thức giao dịch và đặt lệnh như không có có biên độ khống chế về giá cũng như giá tham chiếu. Thời gian khớp lệnh kéo dài từ 10-15 giờ một ngày. Nhà đầu tư được phép mua và bán cùng một loại cổ phiếu trong cùng một ngày giao dịch.
OTC không ăn theo chính thức
Trong khi thị trường chứng khoán chính thức tại hai sàn Hà Nội và TP HCM tăng trở lại thì thị trường OTC vẫn khá chìm lắng, tình trạng đóng băng vẫn xảy ra ở nhiều nhóm cổ phiếu. Từng sôi sùng sục thời điểm đầu năm 2007, nay giao dịch cổ phiếu ngân hàng vẫn thấp do nhà đầu tư lo ngại lộ trình tăng vốn của nhiều ngân hàng trục trặc. Giá tham khảo trên thị trường OTC cổ phiếu ngân hàng An Bình khoảng 60.000-65.000 đồng, SHBank 45.000-50.000 đồng, Eximbank 10,5-10,7 triệu đồng. Nhóm cổ phiếu bất động sản có dấu hiệu tăng song mức biến động rất nhỏ như Vincom giá 145.000-150.000 đồng, Coteccons giá 185.000-195.000 đồng. Các "chợ" cổ phiếu OTC hình thành tại các quán cà phê, các sàn giao dịch chính thức chưa tấp nập trở lại.
Hạn chót đăng ký công ty đại chúng vào 30/6 sắp đến song theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới có hơn 100 công ty nộp hồ sơ. "Những đơn vị vi phạm sẽ bị phạt", một quan chức của Ủy ban khẳng định song từ chối đưa ra mức phạt cụ thể.
VNE
|