Thứ Năm, 10/05/2007 00:41

Chứng khoán về miền Tây

Sức hút của chứng khoán ở Tp.HCM, Hà Nội đã làm nhiều nhà đầu tư ở miền Tây quan tâm, hứa hẹn không bao lâu sẽ hình thành một thị trường sôi động tại Cần Thơ...

Đổ về!

Tuần rồi, Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) đã được UBND thành phố Cần Thơ đồng ý về chủ trương thành lập công ty chứng khoán tại đây. “Vốn điều lệ của công ty này khoảng 40 tỉ đồng và trước mắt chúng tôi chỉ thực hiện nghiệp vụ môi giới và tư vấn”, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Minh Phú, nói.

Cũng theo ông Quang, trước đó ông đã làm việc cùng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc thành lập công ty chứng khoán tại Cần Thơ. “Mọi việc đã suôn sẻ và chúng tôi hy vọng hoạt động giao dịch chứng khoán sẽ ra mắt trong ba tháng nữa”, ông Quang cho biết.

Hiện tại, đã có bốn cán bộ của Minh Phú đang được đào tạo về chứng khoán. Buổi đầu sàn giao dịch của Minh Phú với khoảng bảy nhân viên có chứng chỉ hành nghề và có kinh nghiệm làm việc, đáp ứng yêu cầu về thủ tục, sẽ do đơn vị liên kết là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hải Phòng “cung ứng”.

Minh Phú hiện có một số công ty con với tổng vốn khoảng 1.310 tỉ đồng. Ngoài chế biến xuất khẩu thủy sản, Minh Phú cũng đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như địa ốc, ngân hàng, xây dựng cảng... nên ông Quang tin tưởng sự mở rộng sang lĩnh vực tài chính lần này không gặp nhiều khó khăn.

Trước Minh Phú, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã đồng ý để một doanh nghiệp khác đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm thủ tục thành lập sàn giao dịch chứng khoán tại Cần Thơ.

Theo một nguồn tin, Công ty Tài chính Dầu khí (Hà Nội) sẽ làm đại lý giao dịch chứng khoán tại Cần Thơ cho Công ty Chứng khoán VnDirect, dự kiến tháng 6 này sẽ đi vào hoạt động tại cao ốc Nguyễn Hiếu. Ngoài ra, còn có ít nhất hai nhà đầu tư khác cũng đang nhắm nhe mở sàn giao dịch tại Cần Thơ. Còn các ngân hàng thương mại đã có chi nhánh tại Cần Thơ cũng đang rục rịch mở đại lý chứng khoán, như Sacombank dự kiến sẽ có đại lý chứng khoán vào tháng 8 tới...

Từ khoảng năm 2003 đến nay, dân chơi chứng khoán không có nhiều sự chọn lựa khi Cần Thơ chỉ có đại lý chứng khoán của Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ. Đại lý không thể đáp ứng hết các dịch vụ như một công ty chứng khoán.

Chính vì thế, khi cơn sốt chứng khoán ở Tp.HCM, Hà Nội lan dần thì sự bổ sung các sàn giao dịch chứng khoán tại Cần Thơ là điều tất yếu.

Nhu cầu thực?

“Đúng là từ năm 2006 đến giờ, giao dịch chứng khoán tại Cần Thơ bắt đầu sôi động”, chị Lê Ngọc Phương Mai, nhân viên phụ trách đại lý chứng khoán tại Cần Thơ của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, thừa nhận.

Nếu như năm 2006, tổng giá trị các giao dịch khớp lệnh thông qua đại lý này là 48,7 tỉ đồng thì chỉ trong chưa đầy bốn tháng đầu năm 2007, con số này đã là 60 tỉ đồng với khoảng 600 khách hàng thường xuyên!

Hầu hết dân chơi chứng khoán ở miền Tây đang làm việc tại các ngân hàng, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, dân kinh doanh địa ốc và các doanh nghiệp dịch vụ thương mại... Tính đến tháng 4 này, Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ đã mở khoảng ba lớp đào tạo, còn khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ) cũng đã hoàn tất 7- 8 khóa đào tạo về chứng khoán và đều đầy ắp học viên...

Ở ĐBSCL hiện có nhiều công ty cổ phần, trong đó không ít công ty đã đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tại Tp.HCM, Hà Nội và khá thành công như Dược Hậu Giang, Minh Phú, Agifish...

Riêng Cần Thơ hiện có khoảng 50 công ty cổ phần, nhưng số lượng công ty đã đưa cổ phiếu của mình lên sàn còn khá khiêm tốn. Do vậy, việc thành lập nhiều sàn giao dịch quy mô tại Cần Thơ nhằm tạo tiện lợi cho khách hàng, vừa đảm bảo được doanh thu từ phí môi giới (thấp nhất là 0,25% trị giá giao dịch), phí tư vấn niêm yết cổ phiếu lên sàn, thu hút vốn... là hấp lực lớn đối với các công ty chứng khoán.

“Thị trường chứng khoán Cần Thơ sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, nhưng chúng tôi không ngại cạnh tranh vì lượng khách hàng truyền thống đã có khá lớn và đa phần đều hài lòng với phong cách phục vụ”, chị Mai nói.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ): “Những đại lý chứng khoán hiện có chỉ có thể đáp ứng tối đa cùng lúc cho vài chục khách hàng do mặt bằng hạn chế. Do đó sắp tới, nếu sàn giao dịch nào có vị trí thuận lợi, bãi đậu xe rộng, các dịch vụ đáp ứng tốt yêu cầu thì nơi ấy sẽ thu hút nhiều khách”.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tìm giải pháp phát triển bền vững TTCK (09/05/2007)

>   Khó kiếm đủ đất để lập sàn chứng khoán (09/05/2007)

>   Người Nhật đổ xô sang “du lịch chứng khoán” Việt Nam (09/05/2007)

>   HÒA BÌNH CORPORATION Tiềm năng to lớn (09/05/2007)

>   PVD: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (09/05/2007)

>   HAP Thông báo địa chỉ Website và địa chỉ Email chính thức (09/05/2007)

>   TAC: KQKD quý I/2007 và các danh hiệu đạt được trong năm 2007 (09/05/2007)

>   SMC: Danh sách và trách nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát (08/05/2007)

>   PMS niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (08/05/2007)

>   DHG thông báo cho việc trả cổ tức đợt 3/2006 (08/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật