Người Nhật đổ xô sang “du lịch chứng khoán” Việt Nam
Hãng tin Reuters ngày 8/5 cho biết, nhiều người dân Nhật Bản thông qua các công ty du lịch đang đổ xô sang Việt Nam, mở tài khoản cá nhân để mua bán chứng khoán tại các sàn giao dịch.
Anh Tadayoshi Okimoto - Giám đốc Công ty ôtô ở miền Nam Nhật Bản, chen vai cùng với những người Việt Nam tại một sàn chứng khoán ở Tp.HCM - tỏ ra phấn khích với thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam.
Okimoto đang trong chuyến thăm trung tâm tài chính mới phát triển của Việt Nam do một hãng du lịch Nhật Bản tổ chức nhằm mục đích đưa các nhà đầu tư nhỏ lẻ của nước này tới Việt Nam mở tài khoản kinh doanh chứng khoán. Những chuyến du lịch kiểu này khá phổ biến với những người Nhật Bản muốn giành lợi thế tại thị trường chứng khoán mới ra đời.
Anh Okimoto, 41 tuổi, nói: “Tại nhiều nước, thị trường chứng khoán ra đời từ lâu và lên xuống rất nhiều. Nhưng ở Việt Nam, thị trường chứng khoán còn rất mới vì thế biểu đồ thường đi lên. Từ khoản đầu tư hiện nay, trong khoảng thời gian 2 hoặc 3 năm, chúng tôi sẽ kiếm được nhiều tiền”.
Do tỷ lệ lời lãi ở quê nhà rất thấp, các nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản đang chú ý đến Việt Nam - nơi có nền kinh tế tăng trưởng mạnh sau công cuộc cải cách kinh tế năm 1986 và xem Việt Nam là một sự lựa chọn mới thay thế cho Trung Quốc, Ấn Độ.
Đám đông tại Công ty Chứng khoán BSC (thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) thật muôn hình muôn vẻ: có cả đàn ông, phụ nữ; có người người ăn mặc lịch thiệp, nhưng cũng có người trông nhếch nhác. Nơi này chật kín người đang ngồi, tất cả dán mắt vào 3 màn hình lớn hiển thị các thông tin chứng khoán.
Để giúp các nhà đầu tư như Okimoto, các tờ khai được in bằng tiếng Nhật và có những nhân viên nói tiếng Nhật thành thục để giải thích các quy định trên thị trường chứng khoán. Công ty này thậm chí còn điều hành cả một trang web tiếng Nhật dành cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản với lệ phí 180 USD/năm.
Okimoto cho biết chỉ bỏ ra 60.000 Yên (hơn 500 USD) cho chuyến đi này, bao gồm cả vé máy bay, chỗ ở trong 2 đêm. “Nó quá rẻ so với những gì tôi có thể nhận được” , Okimoto tâm sự.
Trong khoảng 2 tháng, khi các cơ quan chức năng ở Hà Nội thực hiện quy trình cần thiết để mở tài khoản, Okimoto sẽ được nhận mã an ninh, cho phép anh bắt đầu đầu tư.
Ngoài Sketch Travel, hãng đã tổ chức chuyến đi của Okimoto, Công ty HIS và nhiều hãng du lịch khác cũng đang xúc tiến những tour tương tự. Tính đến cuối tháng 3/2007, tại sàn SBC ở TPHCM, các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 618 tài khoản, chiếm khoảng 5%.
Với những người không tham gia các chuyến đi kiểu này, các quỹ Việt Nam có sẵn ở Nhật Bản và đã tăng lên 80 triệu Yên - nhiều hơn cả các quỹ đầu tư vào Brazil.
Ông Kazuo Murakami, phát ngôn viên Công ty Chứng khoán Aizawa Nhật Bản đang điều hành một quỹ Việt Nam, nói: “Tình hình kinh tế Việt Nam tương tự Trung Quốc. Việc các nhà đầu tư Nhật Bản áp dụng thị trường chứng khoán tăng trưởng cao của Trung Quốc cho Việt Nam cũng là lẽ đương nhiên”.
Tính cả khoản đầu tư trực tiếp thông qua các tài khoản cá nhân và số tiền đầu tư trong các quỹ Việt Nam, ước tính các nhà đầu tư Nhật Bản hiện chiếm khoảng 5% trong thị trường chứng khoán 2,5 ngàn tỷ Yên của Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20 - 30%.
Tiền Phong
|