Anh thu hút FDI nhiều nhất EU
Trong tuần qua, Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) đã công bố báo cáo đầy đủ về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào 27 thành viên EU trong năm 2006 cũng như việc đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia này.
Theo đó, trong năm 2006, EU đã thu hút được tổng cộng 135 tỷ euro (gần 181 tỷ USD) vốn FDI, tăng 42% so với năm 2005 (95 tỷ euro), trong khi đó, EU đã đầu tư ra các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tổng cộng 183 tỷ euro, tăng 35% so với năm 2006 (136 tỷ euro). Như vậy, tính ra, EU vẫn tiếp tục là khu vực đầu tư ra bên ngoài nhiều hơn là thu hút đầu tư FDI khi có số dư về đầu tư (vốn đầu tư ra bên ngoài trừ đi vốn thu hút được) là 48 tỷ euro, cao hơn con số 40 tỷ euro của năm 2005.
Theo Eurostat, trong năm 2006, khu vực Bắc Mỹ thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của EU với 93 tỷ euro, trong đó Mỹ thu hút được 71 tỷ euro, tăng gần 2 lần so với năm 2005 (37 tỷ euro) và Canada đã cấp phép cho nhiều dự án có tổng vốn là 22 tỷ euro, tăng mạnh so với năm 2005 (13 tỷ euro). Theo chiều ngược lại, trong năm 2006, Mỹ đã đầu tư vào EU tổng cộng 48 tỷ euro, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2005 (19 tỷ euro), trong khi Canada đầu tư vào khu vực này 5 tỷ euro, giảm 2 tỷ euro (5 tỷ euro).
Xét cụ thể về từng thành viên EU, Pháp là nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất khi trong năm 2006 đã đầu tư tới 39 tỷ euro, chiếm tới 21% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của cả EU; tiếp theo là Đức với 31 tỷ euro và Luxembourg đứng ở vị trí thứ 3 với 27 tỷ euro.
Xét theo chiều ngược lại, Anh là thành viên EU thu hút nhiều vốn FDI nhất với 56 tỷ euro, chiếm tới 42% tổng vốn FDI vào EU. Ở vị trí thứ hai là Luxembourg với 20 tỷ euro và Đức đứng ở vị trí thứ 3 với 15 tỷ euro.
Xét riêng về đầu tư trong nội bộ khối, trong năm 2006, vốn FDI giữa các thành viên EU lại giảm 8% so với năm 2005. Tây Ban Nha đứng đầu khi thu hút được tới 60 tỷ euro từ các thành viên còn lại của EU; tiếp theo là Anh với 57 tỷ euro và Pháp với 48 tỷ euro. Trong khi đó, Luxembourg lại nổi lên là nhà đầu tư mạnh nhất trong nội bộ EU khi đầu tư tới 57 tỷ euro vào 26 thành viên còn lại của EU. Ở vị trí thứ 2 là Anh với 55 tỷ euro và thứ 3 là Pháp với 45 tỷ euro.
Theo các nhà phân tích, về cơ bản, số liệu do Eurostat đưa ra trùng hợp với số liệu được Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra trước đó, song cụ thể hơn nhiều.
Các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) dự báo, trong năm 2007, mức thu hút vốn FDI cũng như đầu tư ra nước ngoài của EU nói chung và 13 quốc gia sử dụng đồng euro nói riêng sẽ không có thay đổi nhiều so với năm 2006. OECD dự báo, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007 của 13 quốc gia EU sử dụng đồng euro sẽ là 2,7%, cao hơn mức dự báo trước đây (là 2,2%), song thấp hơn mức 2,8% của năm 2006.
ĐTCK
|