Thứ Ba, 29/05/2007 22:22

Tiêu thụ cà phê đang tăng nhanh tại thị trường Trung Quốc

Ngày nay, cà phê ngày càng được ưa chuộng ở Trung Quốc, nhất là trong giới trẻ thành thị, với nhu cầu luôn đạt mức tăng hai con số, mặc dù vẫn chưa bằng 1/10 lượng tiêu thụ chè.

Cà phê được trồng ở Trung Quốc đang bắt đầu leo lên chiếc thang chất lượng. Cà phê chè (arabica) của tỉnh Vân Nam ở miền Nam Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của hai đại gia kinh doanh cà phê nổi tiếng là Starbucks của Mỹ và IIly của Italia.

Thương gia Tomonori Hashimoto thuộc công ty S. Ishimitsu Co. Ltd. (Nhật Bản), một trong những người nghiền cà phê hàng đầu thế giới và được biết đến bởi sự sành điệu về cà phê, nói: "Nhu cầu về cà phê chè Vân Nam đang ngày một tăng. Khách hàng đang muốn thử và thưởng thức những loại cà phê mới, hiếm, dễ uống và có hương vị thơm dịu".

Số liệu thống kê chính thức cho thấy xuất khẩu cà phê của Trung Quốc trong quý I/07đã tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2006, lên 6.484 tấn, trong đó hơn 4.000 tấn được xuất sang thị trường Đức và Nhật Bản.

Ông Zhou Zhihua, một thương nhân buôn bán cà phê có trụ sở tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, nói: "Khi chúng tôi bắt đầu kinh doanh cà phê tại Vân Nam vào năm 1998, doanh số bán hàng tháng của chúng tôi chỉ vào khoảng 10 kg. Nhưng nay con số này đã lên tới hàng tấn".

Các quan chức ngành cà phê Trung Quốc nói rằng sản lượng cà phê của nước này vẫn quá khiêm tốn để có thể thu hút sự chú ý của một số nhà kinh doanh quốc tế, nhất là khi nhu cầu ngày càng tăng mạnh ở trong nước đang tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm.

Trung Quốc không có số liệu thống kê chính thức về sản lượng cà phê. Các quan chức của ngành cà phê Trung Quốc ước tính, nước này thu hoạch khoảng 22.000-28.000 tấn cà phê chè mỗi năm ở tỉnh Vân Nam, một tỉnh miền núi phía Nam có biên giới giáp với Việt Nam và có diện tích gần bằng Nhật Bản. Thực vậy, con số này không thấm vào đâu so với mức sản lượng 900.000 tấn của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, và 400.000 tấn của Inđônêxia. Quy mô trồng cà phê ở Trung Quốc còn rất nhỏ lẻ bởi người nông dân vẫn thích trồng lúa, cao su và các loại nông sản khác có giá trị cao khác hơn.

Một thương nhân cao cấp khác từ một công ty quốc tế nhận xét: "Thực tế là đồng NDT đang được tăng giá, trong khi các mặt hàng khác như cao su và các loại ngũ cốc đang được giá".

Các số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế cho hay, giá cà phê năm 2006 đã tăng trung bình 7% so với năm 2005, trong khi giá các mặt hàng khác đã tăng hơn gấp đôi một phần do nhu cầu tăng mạnh của Trung Quốc.

Theo các quan chức, cà phê chè Vân Nam vẫn chưa đạt được đẳng cấp như cà phê Mandehling được coi là ngon nhất Châu Á của Inđônêxia, cho dù chất lượng đã được cải thiện đáng kể với sự trợ giúp kỹ thuật của Nestle và các hãng thực phẩm khác kể từ đầu những năm 1990.

Tạp chí Roast Magazine dẫn lời chuyên gia cà phê Stuart Eunson của công ty Arabica Coffee Roaster Co. Ltd (có trụ sở tại Bắc Kinh), nói rằng nếu được trồng và chế biến một cách hợp lý, cà phê của Trung Quốc sẽ có hương và vị chua tương tự như cà phê chế biến ẩm của Nam Mỹ.

Cho đến nay, thị trường trong nước vẫn là thị trường tốt nhất đối với cà phê Trung Quốc. Theo ước tính của các quan chức ngành cà phê Trung Quốc, tiêu thụ cà phê của nước này đang tăng ở mức hai con số với lượng tiêu thụ khoảng 45.000 tấn năm 2006.

Starbucks hoặc Illy hiện đang nhắm vào cà phê chè Vân Nam, với mục tiêu là cung cấp cho thị trường Trung Quốc vì hai hãng có kế hoạch các đại lý tại đây và thuế nhập khẩu cao ở mức khoảng 20-60%.

Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Trung Quốc, Zou Lei, nói: "Bạn có thể tìm thấy cà phê hòa tan ở bất cứ gia đình nào ở Trung Quốc. Người ta thậm trí còn dùng cà phê để làm quà biếu nhau". Cà phê hòa tan được đóng gói với đường và sữa bột - được biết là sản phẩm "3 trong 1" đã có mặt không chỉ ở các thành phố và còn khắp các vùng nông thông của Trung Quốc.

Các nhà chế biến cà phê coi 250 triệu người Trung Quốc sinh sống ở các thành phố và vùng duyên hải như là thị trường tiếp theo của họ, một lượng khách hàng lớn chỉ thấp hơn so với dân 300 triệu người của Mỹ, nước đã nhập khẩu 1,39 triệu tấn cà phê trong năm 2005.

Theo ông Ji Ming, giám đốc phụ trách bộ phận cà phê của China Tea Co Ltd., nếu tính mức tiêu thụ bình quân đầu người, Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng rất lớn, song đây vẫn là triển vọng dài hạn. Có lẽ phải còn một quãng đường rất xa, cà phê mới có thể sánh được với chè về mức tiêu thụ ở Trung Quốc, nước tiêu thụ 700.000 tấn chè mỗi năm.

TTXVN

Các tin tức khác

>   EU tăng tốc sau khi chậm chân hơn Mỹ ở châu Á (29/05/2007)

>   Kết thúc vòng đàm phán "Đối thoại kinh tế chiến lược Trung-Mỹ" lần thứ hai (29/05/2007)

>   Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan giảm xuống 27,46 tỷ USD trong tháng 4/07 (29/05/2007)

>   BP phải giảm sản lượng dầu khai thác tại vịnh Prudhoe do sự cố rò rỉ đường ống nước (29/05/2007)

>   OECD: Kinh tế Hunggari tăng trưởng chậm lại ở mức 2,2% năm 2007 (29/05/2007)

>   China Oilfield Services phát hành trái phiếu công ty trị giá 1,5 tỷ NDT (29/05/2007)

>   Trung Quốc và Hunggari cam kết tăng cường hợp tác kinh tế (29/05/2007)

>   Báo chí Mỹ đòi Google News chia sẻ doanh thu (28/05/2007)

>   Bốn tập đoàn thép hàng đầu Trung Quốc thành lập liên doanh đầu tư (28/05/2007)

>   17 triệu sinh viên Trung Quốc trước ma lực chứng khoán (28/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật